Quảng Ninh dẫn đầu PAPI nhưng dân vẫn phải 'lót tay' khi xin việc

Khánh Ly 14/04/2021 14:40

Báo cáo PAPI chỉ rõ, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu về tổng điểm với 48.811 điểm. Nhưng ở tỉnh này, hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước khá phổ biến.

Sáng nay, 14/4, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dự và phát biểu tại sự kiện này.

Các cấp chính quyền chú trọng hơn tới công bằng trong tuyển dụng cán bộ

Để điều tra cảm nhận của người dân về nền hành chính công, PAPI đã khảo sát trên 8 trục nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng ở khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Tám trục nội dung này có những kết quả khác nhau tạo nên một bức tranh tổng thể về sự quản trị hành chính công cấp tỉnh trong con mắt của người dân.

Cụ thể, ở trục nội dung tham gia của người dân ở cơ sở cho thấy, 8 tỉnh, TP đạt tiến bộ đáng kể trên 5% điểm trong năm 2020, trong đó Thái Nguyên có chuyển biến nhất so với kết quả năm 2019. Trong khi đó hơn một nửa số tỉnh, thành đạt kết quả thấp hơn so với năm 2019. Trong đó, các tỉnh Bến Tre, Khánh Hòa, Điện Biên, Lâm Đồng, Đồng Tháp và Bình Dương có mức giảm trên 10% điểm.

Ở trục này, với chỉ tiêu tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương, Quảng Ninh, An Giang và Cà Mau có nhiều điểm tiến bộ so với những năm trước.

Trong khi đó, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Dương có tỉ lệ người trả lời cho biết đã tham gia vào việc ra quyết định xây mới và sửa chữa công trình công cộng ở địa phương giảm mạnh so với năm 2016. Kiên Giang là tỉnh thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở chỉ tiêu này.

Với trục công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, có 12 tỉnh cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong nỗ lực công khai, minh bạch ở 4 nội dung thành. Bình Định và Thái Nguyên có mức cải thiện hơn cả. Trong khi đó, có 11 tỉnh điểm thấp hơn năm 2019, Sóc Trăng và Bình Dương là 2 tỉnh có điểm số tụt hạng hơn cả ở chỉ tiêu này.

Về trục trách nhiệm giải trình với người dân, báo cáo của PAPI chỉ ra có 12 tỉnh thành phố đạt tiến bộ đáng kể so với năm 2019, Vĩnh Long và Tiền Giang có tỉ lệ tăng điểm lớn nhất so với 61 tỉnh, thành khác. Tương tự cũng có 12 tỉnh, thành giảm điểm ở nội dung này, trong đó Quảng Ngãi là tỉnh có điểm số giảm nhiều nhất.

Với trục kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, có 18 tỉnh, thành có tiến bộ rõ rệt so với kết quả của năm 2019. Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung này.

Trong khi đó, chỉ có 6 tỉnh có mức sụt giảm ở chỉ số nội dung này, Ninh Thuận và Ninh Bình là 2 địa phương có điểm giảm nhiều nhất. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu trong chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.

Báo cáo cũng chỉ rõ, ở Quảng Ninh, hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước khá phổ biến. Ở Bến Tre, Đồng Tháp, hiện trạng “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng khá phổ biến.

TS Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho thấy, so với kết quả năm 2016, kết quả 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc.

“Rất có thể nhờ các cấp chính quyền chú trọng hơn tới công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức. Mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này”, ông Đặng Hoàng Giang cho hay.

Báo cáo PAPi cũng chỉ rõ, năm 2020 Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hòa, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi có mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước khá phổ biến.

Hệ thống chỉ báo, giám sát công bằng, khách quan và có chất lượng phục vụ cho đổi mới công tác điều hành

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, từ năm 2009 tới nay, một số đơn vị thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đồng hành cùng UNDP và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng hằng năm đã triển khai điều tra, phân tích chỉ số PAPI tại toàn bộ 63 tỉnh, thành.

‘Là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, MTTQ Việt Nam có cam kết cao trong việc tham gia và hỗ trợ PAPI vì mục tiêu của dự án có mối quan hệ chặt chẽ với quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ trong đó có việc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình cải cách nhà nước và pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở”, ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

“Sau gần 150 ngàn cuộc phỏng vấn được thực hiện với người dân cả nước trong hơn 1 thập niên qua, chúng tôi vui mừng nhận thấy các phân tích và kết quả của dự án ngày càng được nhiều cơ quan quản lý và nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương tham khảo, phục vụ cho công tác chỉ đạo. Những phát hiện của PAPI ngày càng được sử dụng nhiều hơn và được nhắc tới trong nhiều văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị-xã hội. Chỉ số PAPI đã tạo dựng được chỗ đứng vững vàng trong công luận, trở thành một hệ thống chỉ báo, giám sát công bằng, khách quan và có chất lượng phục vụ cho việc đổi mới công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh dẫn đầu PAPI nhưng dân vẫn phải 'lót tay' khi xin việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO