Giá điện làm 'nóng' nghị trường

M.Loan - H.Vũ 23/05/2019 07:30

Ngày 22/5, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán điện, có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì giá điện ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.

Giá điện làm 'nóng' nghị trường

Vấn đề về tăng giá điện được các đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận.

Nếu có bức xúc trong cử tri và nhân dân thì cần xem lại

“Báo cáo cơ sở lý luận, pháp lý thực tiễn của ngành Công thương rất đầy đủ, khẳng định việc điều hành giá điện theo qui định của pháp luật, đảm bảo chỉ đạo sát sao của Thủ tướng. Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhưng nếu việc điều hành vẫn để bức xúc trong cử tri và nhân dân thì cần xem xét lại” - ĐB Mai Sỹ Diến nói và cho rằng: Đây là việc thực hiện Luật Điện lực, ngoài thanh tra kịp thời để báo cáo đúng hay không, cần giao Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán, có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.

Trong xây dựng bảng giá điện của EVN được Bộ Công thương thẩm định trình Chính phủ, hiện có 6 bậc. Bộ Công thương cũng đưa ra ví dụ nhiều nước có bậc thang điện khác nhau, từ 1-7 bậc, còn ta có 6 bậc. Hiện bậc 1-2 là giá thấp hơn giá cơ bản, từ bậc 3 là giá cao hơn giá cơ bản. Báo cáo của Bộ Công thương có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho người sử dụng ít, khuyến khích tiết kiệm điện. Nhưng ông Diến cho rằng, với cơ chế thị trường, quan điểm này chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít thì Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện.

ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, nhưng lại chỉ tham khảo một nửa, mà không tham khảo các chính sách đi kèm của họ. Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều DN cung cấp điện với giá cạnh tranh. Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và 8 để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai. Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa. “Ta copy là phải có bậc thang, nhưng chính sách đi kèm thì ta chưa thể hiện được trong chính sách giá của mình” - đại biểu Hà nêu quan điểm.

Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng bà Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý, bởi bậc 1 ở mức dưới 50 kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện. Còn đến nay, khi đời sống đã cao hơn, bậc thang cũng cần được điều chỉnh. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng tình với quan điểm cần xem lại việc tính bậc thang giá điện. Ông Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh.

Đề nghị kiểm toán giá điện

Cũng vẫn bài toán giá điện, nhiều ĐBQH đã bày tỏ băn khoăn về giá điện và muốn Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán mặt hàng này.

Đại biểu Lê Thu Hà cho rằng trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố. Bà Hà dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế cho thấy, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kWh/tháng trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 15% so với bậc 6 của mức giá cũ chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6. Đối với bậc 3 (101-200 kWh) theo EVN là mức phổ biến, thì mức giá mới 2.014 đồng/kWh tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, chứ không phải 8,4% như EVN thông báo. Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kWh) là 12,7%, và ở bậc 5 (301-400 kWh) là 14.2%. “Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33 – 8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt” - bà Hà nói và cho rằng “cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn”.

Giá điện làm 'nóng' nghị trường - 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.

“Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của ngành điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội” - đại biểu Hà nói.

Trong khi đó ông Phạm Phú Quốc lo lắng, giá điện tăng kéo theo giá sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng... tăng. Áp lực cho các mặt hàng trong nước tăng khi giá điện điều chỉnh. Kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm đáng lo ngại.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Ghi nhận nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có điểm sáng là tỷ lệ nợ công tới cuối năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ nhiều hạn chế cả vĩ mô lẫn vi mô. “Chính phủ phải hứa trước Quốc hội là đến năm 2021, kết thúc nhiệm kỳ này các dự án trọng điểm quốc gia đạt được tiến độ như thế nào?”.

Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có nhiều vướng mắc hiện nay là do tổ chức thực thi không tốt, chứ “không đổ thừa cho Luật được”.

Nếu không có chính sách giá hợp lý thì rất khó cho EVN tái đầu tư

Dẫn Khoản 1, Điều 29 của Luật Điện lực quy định việc tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải có chính sách hợp lý về giá để thu hút đầu tư, là yêu cầu số 1, nhất là trong điều kiện sản lượng điện EVN sản xuất đang giảm (từ tỷ lệ sản lượng chiếm 9,77% tổng sản lượng điện vào năm 2017 thì năm 2018 và năm 2019 tỷ lệ này của EVN lần lượt là 8,36% và 5,26%).

“Nếu không có chính sách giá thành điện hợp lý thì rất là khó cho EVN tái tạo đầu tư và thu hút các nhà đầu tư khác vào ngành điện”.Trong khi đó, để phát triển năng lượng tái tạo thì giá một kwh điện này là 9,25 cent, cao hơn cả giá bán lẻ điện bình quân hiện nay và đi đôi với việc đó, Nhà nước cũng phải tiếp tục đầu tư thêm 1kwh năng lượng nền để bảo đảm an toàn hệ thống. Do đó chi phí đầu tư ngày càng lớn. Ngành điện đã có nhiều cố gắng tiết giảm chi phí, trong năm 2017 số tiết giảm là 2.258 tỷ đồng, năm 2018 là 2.236 tỷ đồng và kế hoạch năm 2019 là phải tiết giảm 2.517 tỷ đồng.

Về thời điểm tăng giá điện, Phó Thủ tướng cho biết năm 2018 chưa hội đủ yếu tố tăng giá điện. Nhưng năm 2019 khi than tăng giá 2 lần với mức tăng 7.332 tỷ đồng, giá khí bao tiêu tăng 5.832 tỷ đồng, được tính toán, xác định và báo cáo lãnh đạo Chính phủ bằng văn bản vào ngày 19/3 thì ngày 20/3 giá điện mới tăng. Ngoài ra, Chính phủ quy định lợi nhuận tối đa của EVN chỉ là 3% bởi vì trong lúc khó khăn, EVN phải thắt lưng buộc bụng, cộng với khoản 20.000 tỉ biến động đầu vào mua điện của EVN nên tổng thể giá điện chỉ tăng 8,36%.

“Sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ về đợt tăng giá điện vừa qua. Ngoài ra, tôi đã báo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán lại báo cáo tài chính và giá điện năm 2019, nếu phát hiện sai sót thì phải khắc phục, nếu đúng thì phải ghi nhận” - Phó Thủ tướng nói.

Chủ tịch EVN: Đại biểu Hà tính toán sai

Liên quan đến phát biểu “giá điện không tăng 8,36% như EVN thông báo” của đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai), chiều 22/5, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho biết đại biểu Hà đã tính toán sai. Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, ông Thành đã phản hồi ý kiến của đại biểu Lê Thu Hà.

Ông Thành cho biết, ông đã đọc được thông tin về tính toán của bà Hà, thậm chí một số đại biểu cũng gửi thông tin trên cho ông đề nghị làm rõ. Tuy nhiên, ông Dương Quang Thành khẳng định bà Hà đã tính toán sai và khẳng định mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác.

Thực tế, giá điện tăng đã được Chính phủ thông qua chứ không phải tính toán của riêng EVN. “So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một đưa ra chính xác, đồng thời, đều tăng từ 8,3 - 8,4%, chứ không tăng mười mấy phần trăm như đại biểu nói” - ông Thành thông tin.

Về một khái niệm được nhiều người thắc mắc là “giá điện cơ sở” 1.549 đồng mà đại biểu Hà đưa ra, Chủ tịch EVN cho biết không có con số này mà chỉ có giá bán điện bình quân hàng năm mà Chính phủ quy định.

Đối với câu hỏi, thông tin đại biểu đưa ra không chính xác, vậy EVN và cá nhân ông có gặp đại biểu để trao đổi rõ hay không? Ông Thành cho biết, EVN đã yêu cầu điện lực các địa phương giải thích rõ cho các đại biểu Quốc hội trước khi các đoàn đi họp.

“Tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này nếu điện lực chưa thông tin rõ cho các đoàn đại biểu Quốc hội, tôi sẽ yêu cầu làm rõ hơn và có bảng tính toán cụ thể để đại biểu hiểu hơn so sánh biểu giá điện trước và sau tăng giá” - ông Thành trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện làm 'nóng' nghị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO