Giải trình, làm rõ nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội

Theo VGP 26/05/2020 17:26

Tại kỳ họp thứ 9, sau khi thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản, tập trung vào các nội dung: Tiêu chuẩn quốc tịch với ĐBQH; tăng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu, việc quyết định số lượng và phê chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách tại đoàn ĐBQH, công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc đoàn ĐBQH…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó nhiều nội dung nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao như tăng tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, kinh phí hoạt động của đoàn ĐBQH do ngân sách Trung ương bảo đảm, hợp nhất 2 văn phòng là văn phòng đoàn ĐBQH và văn phòng HĐND tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau về đoàn ĐBQH, vị trí các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Giải trình, làm rõ nội dung các ĐBQH quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi đưa dự án Luật vào chương trình, mục đích sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương và Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung đã có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay; bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy Nhà nước. Các nội dung khác sẽ trình Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp khi đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật cần đạt trong tổng thể đổi mới đồng bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Cùng với đó, Luật Tổ chức Quốc hội mới thi hành được 4 năm và đang phát huy được hiệu quả trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua được 55 luật và dự kiến thông qua 10 luật tại kỳ họp thứ 9. Hoạt động của Quốc hội đã thu hút sự quan tâm, chú ý của cử tri và nhân dân cả nước, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao. Điều này cho thấy các nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội đang đi vào cuộc sống.

Về tiêu chuẩn ĐBQH, qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với những nội dung được UBTVQH tiếp thu, giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm về tiêu chuẩn quốc tịch của ĐBQH, do còn có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc quy định “chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đây là vấn đề đã cân nhắc từ khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến quốc tịch của đại biểu ứng cử HĐND. Khi đó Quốc hội đã thảo luận và cân nhắc quy định “có một quốc tịch” (không có chữ “chỉ”). Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, sẽ tiếp tục cân nhắc nội dung này, nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất giữa 2 luật khi cùng quy định về một vấn đề.

Về tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của từng chức danh được quy định cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản hướng dẫn của UBTVQH. Vì vậy Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cho phép quy định nội dung này trong văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết và bảo đảm các tiêu chuẩn đối với đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ cao hơn. Đồng thời gắn với các quy định về thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ chính sách, tiền lương cũng như khen thưởng, kỷ luật.

Về đoàn ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đây là chế định đặc thù của Quốc hội Việt Nam, ra đời từ Luật Tổ chức Quốc hội đầu tiên năm 1960. Qua mỗi lần sửa đổi thì địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của đoàn ĐBQH ngày càng được hoàn thiện.

Qua báo cáo công tác của các đoàn ĐBQH, cũng như các ý kiến góp ý với dự thảo Luật của các đoàn cho thấy, những vướng mắc bất cập hiện nay chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức công việc của đoàn và công tác quản lý cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đối với ĐBQH chuyên trách. Dự thảo Luật đã có những sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn, giải quyết những bất cập này và trong thời gian tới UBTVQH sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến hoạt động của đoàn ĐBQH.

Về việc chuyển các ban của UBTVQH (Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu) thành cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua tổng hợp cho thấy đa số ý kiến đều cho rằng cần chuyên môn hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng tham mưu, phục vụ của các cơ quan này. Tuy nhiên, khi đi vào xác định nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy cụ thể cho từng cơ quan thì còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận, thống nhất.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vào đợt 2 (khi Quốc hội họp tập trung) của kỳ họp thứ 9.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải trình, làm rõ nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO