Nghiêm túc rà soát, xử lý bất cập BOT

M.Loan 27/05/2019 07:00

Trong trường hợp Nhà nước không thể cân đối nguồn lực để mua lại, một số dự án có thể tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng đã ký kết, Bộ Giao thông vận tải cho biết về phương pháp giải quyết một số dự án BOT có vướng mắc.

Quyết liệt triển khai thu phí tự động không dừng

Trong báo cáo mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ này đã tiến hành rà soát toàn bộ các trạm thu phí để xử lý các bất cập, tồn tại. Qua quá trình rà soát cũng cho thấy, các quy định của pháp luật về trạm thu phí trước đây có những bất cập nhất định. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung rà soát, kiến nghị các giải pháp xử lý bất cập tại các trạm BOT, trong đó đã phân làm 3 nhóm vấn đề tồn tại, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để xử lý.

Nhóm các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ được thu phí một phần (đến nay chỉ còn vướng mắc tại các dự án: Cai Lậy, Thái Nguyên - Chợ Mới, tuyến tránh Thanh Hóa). Nhóm các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (Bộ đang tổng hợp doanh thu tất cả các trạm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ) và nhóm các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Giải pháp đề xuất đã được Thường trực Chính phủ họp đánh giá cao báo cáo kết quả rà soát, đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao 3 Phó thủ tướng chủ trì xử lý 3 nhóm dự án. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xử lý theo chỉ đạo.

Khẳng định của Bộ trưởng là Bộ Giao thông vận tải đã nghiêm túc việc rà soát, xử lý các bất cập các dự án BOT.

Tuy nhiên, có một số dự án do quy định pháp luật trước đây chưa phù hợp nếu để xử lý dứt điểm chỉ có phương án Nhà nước phải bố trí khoản ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, trong khi nguồn lực hiện nay gần như không thể cân đối được. Bên cạnh đó, các hợp đồng dự án trước đây được ký phù hợp với quy pháp luật tại thời điểm ký kết, theo quy định Điều 4, Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005, trong trường hợp Nhà nước không thể cân đối nguồn lực để mua lại, một số dự án có thể tiếp tục thực hiện theo quy định hợp đồng đã ký kết - Bộ trưởng giải thích.

Một yêu cầu khác của Quốc hội với ngành giao thông là kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu về thu phí, từ năm 2019, thực hiện việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT giao thông, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.

Kết quả được nêu tại báo cáo là Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc). Đồng thời, Bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ các địa phương triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cao tốc Bắc - Nam có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP

Ở một lĩnh vực khác, theo nghị quyết của Quốc hội, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách). Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Theo báo cáo, kể từ thời điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (tháng 11/2017) sau 11 tháng Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần.

Đối chiếu với trình tự, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật đối với dự án quan trọng quốc gia và thời gian thực hiện một số dự án tương tự thì thời gian tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã được rút ngắn khoảng 3-5 tháng.

Về thiết kế kỹ thuật, dự toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 3 dự án đầu tư công, sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5 và tháng 6/2019. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất đặc thù nên thời gian thiết kế kéo dài hơn, dự kiến hoàn thành phê duyệt tháng 11/2019.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến đến cuối tháng 9/2019 sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán toàn bộ 8 dự án thành phần.

Về giải phóng mặt bằng, tiến độ nêu tại báo cáo là đến nay, hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn bộ 11 dự án thành phần đã hoàn thành, chủ đầu tư đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường được khoảng 93% và bàn giao được khoảng 88% cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương.

Dự kiến, trong tháng 5/2019 sẽ cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư (bên mời thầu), đến hết ngày 16/5/2019 đã bán được 81 bộ hồ sơ mời sơ tuyển/34 nhà đầu tư trong nước và quốc tế (trong nước 24 nhà đầu tư, Trung Quốc 6 nhà đầu tư, Nhật Bản 2 nhà đầu tư, Hàn Quốc 1 nhà đầu tư, Pháp 1 nhà đầu tư).

Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9/2019. Trong trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải xử lý và có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan thì có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiêm túc rà soát, xử lý bất cập BOT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO