Giãn cách xã hội - kéo thẳng đường cong

Ngọc Mai 29/03/2020 07:27

Trong đại dịch Covid-19, khái niệm “giãn cách xã hội” nổi bật. Dễ hiểu thì đó là hạn chế tiếp xúc gần giữa người với người nhằm giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng vấn đề là nó sẽ được áp dụng trong bao lâu?

Giãn cách xã hội -  kéo thẳng đường cong

Người cầu nguyện tới nhà thờ Nairobi (Kenya) làm lễ ngồi cách xa nhau. Ảnh: Reuters.

Hôm 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người Mỹ dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập nhóm trên 10 người nhằm kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Ông Trump cũng nhấn mạnh người dân nên ít đi lại, không đến các quán bar, nhà hàng, các quầy thực phẩm công cộng hay các phòng gym... Đó chính là các biện pháp “giãn cách xã hội”, nhằm hạn chế hết sức có thể những tiếp xúc gần giữa người với người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Giãn cách xã hội (tạm dịch của cụm từ “social distancing”) được hiểu là việc giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội. Phó giáo sư dịch tễ và sức khỏe môi trường Arindam Basu tại Đại học Canterbury, New Zealand, nói: “Giãn cách xã hội là một cách thiết lập khoảng cách vật lý giữa hai hoặc nhiều người để ngăn chặn, phòng ngừa virus lây lan”.

Tuy nhiên, trong khi giới khoa học y học đề cao biện pháp giãn cách nhưng lại cũng có ý kiến điều đó làm con người xa nhau và xã hội buồn đi. Người ta hỏi nhau: Để ngăn chặn lây lan của dịch bệnh thì phải giãn cách, nhưng bao giờ thì điều khó chịu đó được xóa bỏ trong khi đại dịch Covid-19 vẫn “tung hoành”.

Lời đáp tốt nhất và chân thực nhất, theo các chuyên gia dịch tễ học, các nhà nghiên cứu virus, thì rất đơn giản: “Điều đó còn tùy”- theo Caitlin Rivers, một chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Johns Hopkins về an ninh sức khỏe. Còn theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thì điều đó có thể kéo dài trong vòng 8 tuần sau khi đỉnh dịch đi qua. Tuy nhiên, xác định đỉnh dịch một cách chính xác cũng không phải là điều dễ dàng. Chưa nói đến việc dịch sẽ bùng phát trở lại sau khi những tưởng đã bị dập. “Chúng ta có thể chứng kiến những làn sóng thứ 2 hay thứ 3 của đợt dịch ở những nước vẫn còn đang phục hồi từ sau làn sóng thứ nhất”- theo Rivers, và rất có thể vẫn phải duy trì “giãn cách xã hội”... cho đến khi một loại vaccine được phát triển - điều đó có thể phải mất 12 đến 18 tháng.

Nói về tai họa đến từ không giãn cách xã hội khi dịch bùng phát, người ta nhớ lại rằng, giữa đại dịch cúm Tây ban Nha, vào tháng 9/1918, các thành phố khắp nước Mỹ định tổ chức diễu hành để quảng bá trái phiếu tự do nhằm bán lấy tiền giúp đỡ các nước châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại Philidelphia, nơi có 600 binh sĩ mắc cúm, giới chức thành phố quyết định vẫn diễu hành. Còn ở Saint Louis, chính quyền hủy diễu hành và thực hiện biện pháp hạn chế tụ tập đông người. Một tháng sau, trên 10.000 người ở Philadelphia chết vì cúm Tây Ban Nha; còn số ca tử vong ở Saint Louis chưa đầy 700.

Những con số so sánh cho thấy phần nào tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch.

Theo tính toán, mỗi người nhiễm bệnh Covid-19 có thể truyền virus cho trung bình từ 2 tới 3 người trong giai đoạn đầu. Nếu ai đó nhiễm virus và tiếp tục gặp gỡ người khác như bình thường, người đó có thể truyền virus cho từ 2 đến 3 người khác. Những người này lại tiếp tục truyền virus cho 2 đến 3 người nữa. Chỉ trong vòng một tháng, 1người nhiễm virus có thể khiến 244 người nhiễm bệnh theo cách này. Trong hai tháng, con số sẽ vọt lên 59.604.

Một trong những mục tiêu chính của giãn cách xã hội là “kéo thẳng đường cong”, tức là trì hoãn virus lây lan trong cộng đồng và giảm số ca tại đỉnh dịch. Nếu áp dụng biện pháp này, số người nhiễm và số người cần chăm sóc đặc biệt hay nguồn lực cần huy động sẽ thấp hơn, không gây quá tải.

Tuy nhiên, giãn cách xã hội không có nghĩa là ngừng mọi liên lạc. Ngày nay, công nghệ cho chúng ta mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn, gọi điện video để kết nối với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giãn cách xã hội - kéo thẳng đường cong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO