Lý giải cơn sốt hoa quả giá trên trời của người Nhật

25/03/2017 08:05

Ở Nhật Bản, có rất nhiều cửa hàng có nội thất sang trọng như tiệm vàng nhưng bên trong lại chỉ trung bày thứ có giá còn đắt hơn vàng - hoa quả. Từ những trái dưa hấu có hình trái tim cho tới nho “Ruby Roman” to bằng trái bóng bàn, những cửa hàng kiểu này chuyên bán các sản phẩm hoa quả có giá cao ngất ngưởng.

Những cửa hàng bán hoa quả giá cực sốc như thế này
khá phổ biến ở Nhật Bản. (Nguồn: Reuters).

Dọc đất nước Nhật Bản, các sản phẩm hoa quả được chăm sóc hết sức cẩn thận thường có giá bán lên tới hàng chục nghìn USD tại các buổi đấu giá. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, trong năm 2016, một cặp dưa đỏ Hokkaido đã được bán ra với mức giá kỷ lục 27.240 USD (3 triệu Yen).

“Hoa quả được đặc biệt xem trọng trong xã hội của Nhật Bản” - Soyeon Shim, trưởng khoa Sinh thái học con người, Đại học Wisconsin-Madison, cho hay - “Mua bán và tiêu thụ hoa quả gắn liền với văn hóa và xã hội Nhật”.

Theo vị chuyên gia này, hoa quả không chỉ là phần quan trọng trong khẩu phần ăn của người Nhật, mà có lẽ còn quan trọng hơn khi được người dân xứ sở hoa anh đào coi như một món đồ xa xỉ, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong các nghi thức tặng quà đầy trang trọng trong truyền thống nước Nhật Bản.

Để có được các sản phẩm hoa quả cao cấp thì quá trình trồng tỉa tỉ mỉ, yêu cầu công sức chăm bón được phát triển bởi người nông dân Nhật Bản là không thể thiếu.

“Rất khó để tạo hình những trái dâu tây, chúng đôi lúc lại có hình cầu” - ông Okuda Nichio nói về loại dâu tây có tên Bijin-hime mà ông nuôi trồng - “tôi đã phải mất 15 năm mới tạo được dáng vẻ hoàn chỉnh cho chúng”.

Mỗi trái dâu tây của ông Nichio phải mất tới 45 ngày để trưởng thành tại trang trại của ông ở Gifu, và bí quyết sản xuất loại dâu này luôn được ông giữ kín. “Tôi không thể nói chính xác phương pháp trồng được bởi những người khác sẽ làm theo”, ông Nichio nói.

Loại dâu to nhất mà Nichio trồng được có kích cỡ bằng quả bóng tennis, chỉ có sản lượng 500 quả/năm, thường được bán với giá trên 500.000 Yen (4.395 USD) mỗi quả. Tạo nên mức độ hiếm cho hoa quả cũng là chiến thuật mà nhà nuôi trồng loại nho “Ruby Roman” ở Nhật áp dụng, khi mỗi năm chỉ cho ra 2.400 chùm.

“Những trái nho này rất to và đỏ, giống như một viên hồng ngọc vậy. Chúng tôi phải trải qua một quá trình chăm sóc cực kỳ khắc nghiệt mới tạo nên được màu đỏ đó” - ông Hirano Keisuke, người phát ngôn của hãng Ruby Roman, cho hay.

Lần đầu ra mắt trong năm 2008, ngày nay mỗi một chùm nho này có giá trên 100.000 Yen (880 USD), và mức giá này còn có thể lên cao hơn. Ở khu vực Tây Nam Nhật Bản hồi năm ngoái, một siêu thị đã chi 1,1 triệu Yen (9.700 USD) cho một chùm nho Ruby Roman được hái xuống đầu tiên tại một cuộc đấu giá.

Món quà tặng hoàn hảo

Vậy tại sao khách hàng Nhật lại sẵn sàng chi mạnh tay để mua hoa quả như vậy? Trong khi ở nhiều nền văn hóa phương Tây, táo và cam được đánh giá cao nhờ giá trị dinh dưỡng của chúng, thì người Nhật lại xem hoa quả theo khía cạnh tinh thần, thường coi nó như đồ cúng cho các vị thần - hoặc trên bàn thờ tại gia - trong các nghi thức Phật giáo.

Vì lý do này mà các loại hoa quả cao cấp được người Nhật xem như biểu tượng của lòng tôn trọng. “Người ta mua hoa quả đắt đỏ để tặng quà, thể hiện sự quý tọng của họ đối với người được tặng, trong các dịp đặc biệt hoặc cho người nào đó đặc biệt”, ông Shim cho hay.

Ken Gehrt, vị Giáo sư nghiên cứu thị trường tại Đại học San Jose, California, nói rằng hoa quả còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong các dịp lễ tặng quà ở Nhật Bản như Ochugen và Oseibo. “Hoa quả tốt còn được xem là thứ có thể thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp ở Nhật”, ông Gehrt nói.

Hoa quả ở Nhật Bản không những đắt mà lớp vỏ gói bên ngoài của chúng cũng được người ta trang hoàng hết sức tinh tế. Ví dụ như những trái dâu tây không tì vết thường được đựng trong các hộp chứa có đính đá quý, trong khi các trái dưa hấu được bọc lại và đựng trong những chiếc hộp gỗ có hoa văn tinh xảo.

“Có câu nói rằng người Nhật ăn bằng mắt của họ. Và trên thực tế, các loại hoa quả cao cấp cũng thường có vật chứa rất đẹp đẽ và tinh tế” - ông Gehrt nói.

Dù không phải tất cả người dân Nhật đều mua hoa quả đắt tiền làm quà tặng, nhưng rất nhiều người tôn trọng hương vị hiếm của chúng. Tuy nhiên, giới chuyên gia thường cho rằng những loại quả này phù hợp với người Nhật nhưng lại có vị quá ngọt so với khẩu vị của người dân phương Tây hay Australia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý giải cơn sốt hoa quả giá trên trời của người Nhật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO