Mỹ: Một số thành viên Nội các có quan điểm trái ngược với ông Donald Trump

Chú thích ảnh: 13/01/2017 08:30

Một số thành viên Nội các mới do chính Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn và đề cử dường như đã cho thấy tín hiệu về sự khác biệt khi đưa ra các quan điểm chính sách trái ngược với ông trong lúc tham gia các phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ trong hôm 12/1.

Ba ứng viên mà ông Trump lựa chọn đều thể hiện quan điểm chính trị trái ngược với ông. (Nguồn: CNN).

Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Mỹ, ông Rex Tillerson, Tướng về hưu John Kelly và Thượng nghị sỹ Jeff Sessions - các ứng viên Nội các mới được ông Trump lựa chọn cho các vị trí Ngoại trưởng, Bộ trưởng An ninh Nội địa và Bộ trưởng Tư pháp - đã đưa ra các quan điểm trái chiều với ông Trump về hàng loạt các vấn đề.

Tất cả các tín hiệu về sự khác biệt giữa ông Trump và các ứng viên đề cử cho các vị trí quan trọng trong chính phủ Mỹ, đều diễn ra tại phiên điều trần tại Thượng viện, tiến trình nhằm chính thức phê chuẩn các ứng viên nói trên.

Ủng hộ TPP

Tín hiệu chia rẽ lớn nhất xuất hiện từ ông Tillerson, người đã lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận thương mại đồ sộ mà ông Trump trước đây từng khẳng định rằng ông sẽ bác bỏ ngay khi vào Nhà Trắng. Ông Tillerson cũng cảnh báo về sự “nguy hiểm” của nước Nga và nói rằng ông ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tất cả các quan điểm này đều trái ngược với những điều mà ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông Tillerson nói với các nhà lập pháp hôm 12/1 rằng ông “không phản đối” Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận được 12 nước ký kết mà bà Hillary Clinton có lần từng gọi là “tiêu chuẩn vàng” của các thỏa thuận thương mại.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu tiên ông làm việc tại Nhà Trắng.

Ông Tillerson cũng nghiêng về phía chính quyền Obama, nói rằng việc cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra báo cáo liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử của họ là “đáng lo ngại”. Ông chỉ ra rằng các vụ tấn công mạng và làm rò rỉ email với mục đích làm xói mòn tiến trình dân chủ “đã được tiến hành”.

Ông Tillerson cũng nói rằng ông sẽ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để phản ứng sự kiện Crimea trở về nước Nga, và cũng nói về sự hữu hiệu của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga - cả hai chính sách này đều trái ngược với các quan điểm của ông Trump.

Phản đối tra tấn “trấn nước”

Trong phiên điều trần của mình diễn ra trước đó một hôm, ông Kelly - ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng An ninh Nội địa - đã nói rằng ông hoàn toàn ủng hộ các bộ luật của Mỹ cấm sử dụng hình thức ép cung “trấn nước” và các hình thức tra tấn khác. Điều này đi ngược lại với điều mà ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, trong đó nói rằng sẽ áp dụng lại hình thức “trấn nước” và các hình thức tra tấn “tồi tệ hơn” đối với những nghi phạm khủng bố.

Ông Kelly, cựu tư lệnh của Bộ Chỉ huy phía Nam của Mỹ, cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của một trong những cam kết mà ông Trump từng đưa ra: Xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico và bắt Mexico phải lo chi phí.

“Một bức tường theo đúng nghĩa đen sẽ không thể có tác dụng. Điều cần làm là một phòng thủ nhiều lớp” - ông Kelly nói, nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng mối quan hệ đối tác với các nước Mỹ Latin để chống lại nạn buôn bán thuốc phiện và buôn người.

Phản đối bức tường ngăn Mỹ-Mexico

Cuối cùng, ông Jeff Sessions - ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp - cũng thể hiện quan điểm trái ngược với ông Trump liên quan tới vấn đề áp dụng lại hình thức tra tấn “trấn nước” và phản đối lời kêu gọi ban lệnh cấm đối với toàn bộ người Hồi giáo trên toàn nước Mỹ.

Về vấn đề hình thức tra tấn “trấn nước”, ông Sessions nhấn mạnh rằng Quốc hội đã bác bỏ hình thức này kể từ khi nó được áp dụng dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.

“Quốc hội đã có hành động để biến việc sử dụng “trấn nước” thành một điều bất hợp pháp và không phù hợp, hãy đối với bất kỳ hình thức tra tấn nào khác ở nước Mỹ” - ông Sessions nói.

Ông cũng cố gắng tránh xung đột với ông Trump liên quan tới đề xuất cấm người Hồi giáo tới Mỹ, nói rằng ông Trump đã từ bỏ quan điểm đó, và giờ tin rằng “nên tập trung vào những cá nhân đến từ các nước có lịch sử tồn tại chủ nghĩa khủng bố”. Tuy nhiên, ông vẫn phản đối ý tưởng cấm toàn bộ người Hồi giáo.

“Tôi không ủng hộ ý tưởng cho rằng người Hồi giáo, bị xem như một nhóm tôn giáo, bị cấm tới nước Mỹ. Chúng ta có những công dân Hồi giáo vĩ đại, đã đóng góp cho đất nước theo nhiều cách” - ông Sessions nói - “Người dân Mỹ luôn tin tưởng vào tự do tôn giáo và quyền được theo tín ngưỡng”.

Khánh Duy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ: Một số thành viên Nội các có quan điểm trái ngược với ông Donald Trump

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO