Thỏa thuận Hòa bình Doha: Có chấm dứt bạo lực và chiến tranh?

Đình Tú 02/03/2020 08:00

Sau nhiều chờ đợi và kỳ vọng, Mỹ và Taliban đã chính thức ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar sau một tuần thực hiện cam kết giảm bạo lực tại Afghanistan. Cơ hội chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ được mở ra ở quốc gia vốn có nhiều bất ổn.

Thỏa thuận Hòa bình Doha: Có chấm dứt bạo lực và chiến tranh?

Tổng thống Donald Trump thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan, ngày 28/11/2019, trước khi kêu gọi Taliban đàm phán hòa bình.

Mỹ vẫn có thể “xé rào”

Buổi ký thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được đại diện bởi Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar.

Theo thông tin từ giới phân tích chính trị hiện diện tại Afghanistan, bản thỏa thuận có 4 điểm chính đáng chú ý. Nếu Taliban đáp ứng được các điều kiện thì các lực lượng Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan sẽ tiến hành rút toàn bộ binh sỹ từ đợt đầu tiên đến đợt cuối cùng là trong 14 tháng.

Đây là điểm quan trọng nhất khi trong lộ trình, Mỹ sẽ rút một phần trong tổng số 12.000-13.000 binh sĩ tại Afghanistan vào cuối mùa năm nay và chỉ giữ lại khoảng 8.600 binh sĩ. Kế hoạch rút tiếp số binh sĩ này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chính trị ở Afganistan, tương tự như các cuộc rút quân khỏi Syria năm 2019. Thứ hai, Taliban cam kết sẽ không sử dụng Afghanistan làm bàn đạp để đe dọa an ninh của Mỹ. Thứ ba, tiến trình đàm phàn giữa các phe phái chính trị tại Afghanistan sẽ được triển khai vào ngày 10/3. Và cuối cùng, hai bên sẽ tiến hành ngừng bắn lâu dài và toàn diện.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được đánh giá là “thỏa thuận có ý nghĩa thập kỷ” và Tổng thống Mỹ - người hối thúc Taliban ngồi vào bàn đàm phán được coi là người giữ lời hứa của mình khi đắc cử vào năm 2016.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump nói: “Cuối cùng, người dân Afghanistan sẽ được quyết định vạch ra tương lai cho họ. Chúng tôi kêu gọi nhân dân Afghanistan hãy nắm bắt cơ hội hòa bình này và một tương lai mới cho đất nước họ”.

Mặc dù thỏa thuận đạt được và ký kết nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn đưa ra cảnh báo: “Nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ đánh mất cơ hội đàm phán với Chính phủ Afghanistan và thỏa thuận về tương lai của đất nước. Ngoài ra, Mỹ sẽ không ngần ngại hủy bỏ thỏa thuận này”.

Vẫn chứa đựng nguy cơ bất ổn

Ngay sau thỏa thuận trên được ký kết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh đây là tiến triển quan trọng nhằm tiến tới giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan.

Thông điệp của người đứng đầu LHQ được ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ - đưa ra, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên phải giảm bớt được tình trạng bạo lực tại nước này.

Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng cho rằng cả Mỹ và Taliban đều phải nỗ lực giảm bớt tình trạng bạo lực vì chính lợi ích của người dân Afghanistan. “Các bên liên quan tiếp tục nỗ lực để tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán tiếp theo trong nội bộ Afghanistan và để chuẩn bị cho một tiến trình hòa bình tổng thể” – ông Antonio Guterres kêu gọi.

Trong khi đó, là nước láng giềng tiếp giáp và gần gũi, Ấn Độ đã theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến thỏa thuận Mỹ - Taliban và có phản ứng hết sức dè dặt với các bước đi thận trọng. Động thái này được cho là Ấn Độ lo ngại các do nhóm phiến quân có liên hệ với Taliban thường liên kết chặt chẽ với Pakistan - quốc gia được xem là “kẻ thù truyền kiếp” của Ấn Độ.

Theo ông Tilak Devasher, cựu thành viên Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Ấn Độ, “lợi ích của Ấn Độ là đảm bảo các khoản đầu tư ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua và an ninh của các nhà ngoại giao, nhân viên và phái đoàn. Ngoài ra, chúng tôi cảnh giác với những không gian không được kiểm soát ở nước này, vốn có thể trở thành địa bàn cho các tổ chức khủng bố hoạt động.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận, nhiều chuyên gia chính trị - an ninh tại khu vực lo ngại nó sẽ chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan và viện trợ của Washington dành cho Kabul.

“Thiếu vắng sự giúp đỡ này, Chính phủ Afghanistan sẽ khó trụ vững, chưa nói đến đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình và tái xây dựng đất nước và khi đó, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ quay trở lại với chế độ Taliban. Hòa bình hay chiến tranh sau thỏa thuận còn chưa thể nói chắc”- GS Human Kart nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận Hòa bình Doha: Có chấm dứt bạo lực và chiến tranh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO