Toàn văn phát biểu chia tay của Tổng thống Obama

Theo Vnexpress 11/01/2017 14:44

Tổng thống Obama nhấn mạnh sự tin tưởng vào thế hệ mới và sự cần thiết phải đón nhận những thay đổi để đưa nước Mỹ tiến lên trong diễn văn tạm biệt.


Tổng thống Obama khi phát biểu chia tay tại Chicago. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Barack Obama phát biểu chia tay Nhà Trắng tại thành phố quê nhà Chicago vào tối ngày 10/1, tức sáng ngày 11/1 giờ Hà Nội.

Dưới đây là nội dung bài phát biểu của ông:

"Xin chào Chicago

Thật vui khi trở về nhà. Cảm ơn tất cả mọi người.

Michelle và tôi cảm thấy rất xúc động vì những lời chúc mà các bạn đã gửi tới chúng tôi trong hai tuần qua. Nhưng tối nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn. Dù chúng ta đã từng nhìn hòa thuận hay không hề đồng tình với nhau, những cuộc trao đổi giữa tôi với các bạn - người dân nước Mỹ, trong các phòng khách, nông trại, nhà máy, các bữa tiệc hay những tiền đồn quân sự xa xôi, đã giúp tôi trung thực, giúp tôi có nguồn cảm hứng và tiếp tục công việc. Mỗi ngày tôi đều học được từ các bạn.

Các bạn đã giúp tôi trở thành tổng thống tốt hơn, một người đàn ông tốt hơn.

Tôi lần đầu tiên đến Chicago khi mới ngoài 20 tuổi, đang cố tìm hiểu xem mình là ai, vẫn đang tìm kiếm mục đích của đời mình. Tôi bắt đầu làm việc trong một nhóm nhà thờ, gần một nhà máy thép đã đóng cửa ở gần đây. Trên những con phố đó, tôi đã chứng kiến sức mạnh của lòng tin, cùng phẩm chất thầm lặng của những người lao động khi đối mặt với khó khăn, mất mát.

Đây chính là nơi tôi học được rằng thay đổi chỉ có thể diễn ra khi những người bình thường được tham gia, cùng nhau đòi hỏi điều đó. Sau 8 năm làm tổng thống của các bạn, tôi vẫn tin tưởng vào điều đó.

Đó không chỉ là niềm tin của tôi, đó là nhịp đập của lý tưởng Mỹ chúng ta, trải nghiệm của chúng ta về chế độ tự quản.

Đó là niềm tin rằng chúng ta đều sinh ra bình đẳng, tạo hóa ban cho chúng ta quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Cần phải thừa nhận rằng những quyền đó dù là hiển nhiên nhưng không thể tự nhiên mà có. Chúng ta - người dân, thông qua công cụ của nền dân chủ, có thể tạo nên một thể thống nhất hoàn hảo hơn.

Đó là món quà lớn mà những người lập quốc đã trao cho chúng ta. Quyền tự do theo đuổi những giấc mơ của bản thân bằng mồ hôi, lao động và trí óc, cùng nghĩa vụ phải phấn đấu cùng nhau, nhằm đạt được những điều tốt đẹp hơn.

Trong 240 năm, lời kêu gọi của đất nước với người dân đã mang lại công việc và mục đích cho mỗi thế hệ mới. Đó là điều khiến những người yêu nước chọn nền cộng hòa chứ không phải sự chuyên chế, khiến những người tiên phong đi về phía Tây, những người nô lệ lên những đường sắt tạm bợ để đến với tự do. Đó là những điều khiến người nhập cư và tị nạn vượt đại dương và sông Rio Grande. Đó là điều thúc đẩy phụ nữ yêu cầu quyền bầu cử, thôi thúc người lao động làm việc và những người lính Mỹ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống tại bãi biển Omaha, Iwo Jima, Iraq và Afghanistan và lý do đàn ông và phụ nữ từ Selma đến Stonewall cũng sẵn sàng làm vậy.

Vì vậy, đó là những gì chúng tôi ám chỉ khi nói rằng nước Mỹ rất đặc biệt. Không phải là đất nước này hoàn mỹ ngay từ đầu mà chúng ta đã thể hiện được năng lực thay đổi và làm cho cuộc sống tốt hơn . Đúng, sự tiến bộ của chúng ta đã không đồng đều. Công việc của nền dân chủ luôn khó khăn và gây tranh cãi, đôi khi còn đẫm máu. Cứ bước hai bước về phía trước, chúng ta lại có cảm giác có một bước lùi. Nhưng lịch sử dài của Mỹ đã được xác định bởi nỗ lực tiến về phía trước, được xác định bởi sự tiếp nối tín điều lập quốc là nước Mỹ mở rộng vòng tay với tất cả mọi người chứ không chỉ là một số.

Nếu tôi đã nói với bạn cách đây 8 năm rằng nước Mỹ sẽ đảo ngược cuộc suy thoái lớn, khởi động lại ngành công nghiệp ôtô và mở ra nhiều việc làm nhất trong lịch sử. Nếu tôi đã nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân Cuba, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không phải nổ một phát súng nào và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ 11/9. Nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng trong kết hôn và đảm bảo quyền được chăm sóc y tế cho thêm 20 triệu đồng bào.

Nếu tôi nói với các bạn rằng, các bạn có thể nghĩ tầm nhìn của chúng ta hơi cao. Nhưng đó là những gì chúng ta đã làm, các bạn đã làm. Các bạn chính là sự thay đổi. Các bạn đáp lại niềm hy vọng của người dân, và chính nhờ các bạn cùng gần như tất cả những biện pháp đó, nước Mỹ là đã trở nên hùng mạnh hơn trước đây, khi chúng ta khởi đầu.

Trong 10 ngày nữa, thế giới sẽ chứng kiến một bước ngoặt trong nền dân chủ của chúng ta. Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ diễn ra giữa một tổng thống dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chính quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, giống như những gì Tổng thống Bush đã từng làm cho tôi.

Bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo cho chính phủ có thể đối phó được với những thách thức mà chúng ta vẫn đang đối mặt. Chúng ta có những thứ cần thiết để làm như vậy. Chúng ta có mọi thứ để đáp lại những thách thức đó.

Rốt cuộc, chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất, được tôn trọng nhất trên thế giới. Sức trẻ, động lực, sự cởi mở và đa dạng, khả năng chấp nhận mạo hiểm và tái tạo vô tận của chúng ta đồng nghĩa với việc tương lai sẽ thuộc về chúng ta. Nhưng ý chí đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi nền dân chủ của chúng ta hoạt động, nếu nền chính trị của chúng ta phản ánh tốt hơn nguyện vọng của nhân dân.

Chỉ khi tất cả chúng ta, bất kể đảng phái hay lợi ích, cùng góp tay vào mục tiêu chung, chính là thứ mà chúng ta đang rất cần đến. Đó chính là điều mà tôi muốn tập trung đề cập tối nay. Tình trạng nền dân chủ của chúng ta.

Dân chủ không có nghĩa là tất cả đều có ý kiến như nhau. Những người lập quốc của chúng ta cũng đã tranh luận, cãi nhau, nhưng cuối cùng họ đã thỏa hiệp, họ kỳ vọng chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết rằng nền dân chủ cần đến nền tảng cơ bản của sự đoàn kết, với niềm tin rằng dù có những khác biệt, tất cả chúng ta đều cùng chung một đất nước. Dù trỗi dậy hay đi xuống, chúng ta luôn đồng hành cùng nhau.

Có những thời khắc trong lịch sử, sự đoàn kết đó đã bị đe dọa. Thời kỳ đầu của thế kỷ này là một trong những thời khắc như vậy. Một thế giới suy thoái, sự bất bình đẳng gia tăng, thay đổi nhân khẩu học và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố. Những thế lực đó không chỉ thử thách an ninh, thịnh vượng của chúng ta, mà còn thách thức nền dân chủ.

Cách chúng ta đối phó với những thách thức của nền dân chủ sẽ quyết định khả năng giáo dục con em, tạo ra công ăn việc làm, và bảo vệ đất nước. Nói cách khác, nó sẽ quyết định tương lai của chúng ta.

Nền dân chủ của chúng ta sẽ không hoạt động nếu không có niềm tin rằng mọi người đều có cơ hội về kinh tế. Tin tốt là kinh tế chúng ta đang tăng trưởng trở lại, lương, thu nhập, giá trị nhà đất và tiền hưu trí cũng tăng, trong khi đói nghèo đang giảm bớt.

Người giàu đang phải trả một khoản thuế công bằng. Thị trường chứng khoán đang phá vỡ các kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong 10 năm. Tỷ lệ người không có bảo hiểm chưa bao giờ thấp hơn thế.

Chi phí y tế đang tăng với tốc độ chậm nhất trong 50 năm. Nếu ai có thể vạch ra kế hoạch tốt hơn so những cải tiến chúng tôi đã làm được với hệ thống y tế - đáp ứng được nhiều người với chi phí ít hơn - thì tôi sẽ công khai ủng hộ nó.

Bởi vì sau tất cả, đó là lý do chúng tôi phục vụ đất nước, không phải để ghi điểm hay được kể công, mà là để cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Nhưng với tất cả các tiến bộ thực sự mà chúng tôi đã làm được, chúng tôi biết như thế là chưa đủ. Nền kinh tế không thể hiệu quả và phát triển nhanh khi sự giàu có của một vài người lại gây ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và nấc thang cho những người muốn được vào tầng lớp trung lưu.

Đó là lý luận về mặt kinh tế, nhưng sự bất bình đẳng rõ rệt cũng làm xói mòn tư tưởng dân chủ. Trong khi nhóm 1% tích lũy được lượng của cải và thu nhập lớn thì rất nhiều gia đình, các khu vực nghèo khó, cộng đồng thiểu số và vùng nông thôn bị bỏ lại phía sau.

Những công nhân nhà máy, bồi bàn hay nhân viên y tế bị sa thải gặp quá nhiều khó khăn để xoay xở cuộc sống tin rằng cuộc chơi chống lại phía họ, rằng chính phủ chỉ phục vụ cho lợi ích của những người quyền lực và điều đó càng làm tăng thêm sự hoài nghi và phân cực chính trị.

Không có cách nhanh chóng để sửa chữa xu hướng đã kéo dài này. Tôi đồng ý rằng thương mại của chúng ta nên công bằng chứ không chỉ tự do. Nhưng làn sóng tiếp theo của sự phân rã kinh tế sẽ không đến từ nước ngoài, nó sẽ đến từ tốc độ tự động hóa không ngừng khiến rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời.

Vì vậy, chúng ta phải có một sự sắp xếp xã hội mới để đảm bảo tất cả trẻ em đều nhận được sự giáo dục chúng cần, để cho người lao động đấu tranh yêu cầu thu nhập cao hơn, để củng cố lưới an toàn xã hội, để phản ánh cách chúng ta sống và tiến hành nhiều cải cách thuế hơn, nhằm khiến các công ty và cá nhân hưởng lợi nhiều nhất từ ​​nền kinh tế mới này không trốn tránh được nghĩa vụ của họ với đất nước đã giúp họ làm nên thành công.

Chúng ta có thể tranh luận về cách để đạt được những mục tiêu đó tốt nhất.

Nhưng chúng ta không thể tự mãn về những mục tiêu đó, bởi nếu chúng ta không tạo cơ hội cho tất cả mọi người, sự bất mãn và chia rẽ cản trở tiến bộ sẽ chỉ càng sâu sắc hơn trong những năm tới".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Toàn văn phát biểu chia tay của Tổng thống Obama

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO