Cho phép phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động

H.Vũ 11/01/2019 07:30

Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất vẫn xoay quanh quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Tại Điểm b Khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

Về vấn đề này, theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện đang có hai loại ý kiến của ĐBQH. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo Luật, nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động; trách nhiệm quản lý phạm nhân để đưa phạm nhân ra lao động tại “Khu sản xuất”, “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam.

Còn loại ý kiến thứ hai không tán thành quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tổ chức “Khu sản xuất”, “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.

Trước hai loại ý kiến trên, theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập, bao gồm cả học nghề là nghĩa vụ bắt buộc không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, trong những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở giam giữ, nhưng đến nay cũng còn nhiều khó khăn. Vì vậy Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập khu sản xuất, điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Phải quy định chặt chẽ loại phạm nhân nào được ra ngoài lao động

Đồng tình với việc cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có 2 vấn đề. Thứ nhất là lao động trong khu sản xuất và điểm lao động do trại giam thành lập, tạo việc làm cho phạm nhân là hợp lý. Thứ hai là cần làm rõ việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động là do trại giam tổ chức chứ không phải đưa phạm nhân vào trong doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, các trại giam được tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại sẽ giải quyết khó khăn vướng mắc hiện nay trong quản lý như giảm tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, thông qua lao động sản xuất để cải tạo, đảm bảo sức khỏe làm người lương thiện làm ra sản phẩm cho xã hội. Nếu không tổ chức sản xuất thì không phát huy được nguồn lực và thể hiện sự nhân đạo vì giam giữ chật chội sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Mặt khác vấn đề ân xá, đặc xá hàng năm cũng đều phải căn cứ vào kết quả lao động. “Bộ Công an đã thí điểm mô hình trên và tổng kết thấy rằng có hiệu quả” - Ông Chiến cho hay.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, phạm nhân chỉ bị mất quyền công dân nhưng còn quyền con người do đó nên tổ chức lao động ngoài trại giam mà doanh nghiệp đầu tư để phạm nhân lao động, có thu nhập tăng đời sống và có tay nghề. Khi họ chấp hành xong bản án có thể tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên cần phân loại những phạm nhân có ý thức cải tạo tốt, tự giác mới cho lao động ở ngoài trại giam. Ông Hiển cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay chúng ta thiếu lao động, trong đội ngũ phạm nhân cũng có người có trình độ cho nên cũng nên sử dụng họ và nên có cái nhìn nhân văn hơn. Vì vậy nên có khu sản xuất, điểm sản xuất lao động ngoài trại giam chứ không nên bó hẹp trong trại giam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhu cầu được lao động là một quyền. Do đó cho phép tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam nhưng phải có sự quản lý của trại giam. Phải quy định chặt chẽ loại phạm nhân nào và thời gian chấp hành hình phạt được bao nhiêu mới được ra ngoài sản xuất, từ độ tuổi, giới tính, có sự đồng ý của phạm nhân, thời gian làm việc 1 ngày là bao nhiêu, có thời gian nghỉ ngơi và họ được hưởng thành quả lao động chứ không cưỡng bức sức lao động của phạm nhân.

Giải trình thêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Trong trại giam người, cải tạo giam giữ thường phân loại đánh giá và có 3 loại. Một loại là cải tạo nhưng vẫn chống đối tìm cách vi phạm pháp luật thì phải ngăn chặn. Một loại là lừng chừng. Một loại là chấp hành tốt để được đánh giá, tha tù trước thời hạn và loại này chiếm số đông. Nếu đưa phạm nhân ra ngoài trại giam thì giám thị và cán bộ thi hành phải chịu trách nhiệm quản lý, cải tạo họ. Do đó cho phạm nhân ra ngoài lao động cũng phải thực hiện giam giữ, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch kết quả lao động của phạm nhân, cái gì được tính vào bữa ăn, cái gì được tính vào thu nhập. Những nơi không đảm bảo các điều kiện thì không được phép cho phạm nhân ra ngoài lao động.

Cùng ngày, với 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cử ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thay ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước do ông Giang Sơn nghỉ hưu từ ngày 1/10/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho phép phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO