Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam

Hoàng Minh 13/08/2022 07:30

Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 .

Danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức

Theo đó, Dự thảo nhằm cụ thể hóa những quan điểm, định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.

Cụ thể, Dự thảo quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này, gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó, du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển. Ngành Du lịch ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh); vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); thành phố Đà Nẵng; tỉnh Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới: Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao. Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Du lịch thể thao gắn với thể thao biển, du lịch mạo hiểm, du lịch golf. Du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp khai thác tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng... Đây là sự bổ sung cần thiết gắn với thực tiễn phát triển du lịch của nước ta hiện nay.

Đặc biệt, trong dự thảo cũng xác định khu vực tiềm năng để bổ sung vào danh mục, tiến tới công nhận là khu du lịch quốc gia được nhiều địa phương quan tâm. Hiện tại, cả nước có khoảng 50 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, nhưng mới công nhận được 7 khu. Dự kiến, giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ có 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Có thể kể đến một số địa điểm dự kiến bổ sung vào danh mục khu du lịch quốc gia, gồm: Khu vực cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), khu vực Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), khu vực Hải Tiến (tỉnh Thanh Hóa), khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông; khu vực Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)... Nhiều địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung các địa điểm mới, như: Khu lưu niệm Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh), khu du lịch Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) hay các khu vực Pù Luông, Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)...

Chia sẻ về dự thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch cơ cấu lại ngành du lịch Việt Nam cân đối lại những định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển. Song song với đó, đảm bảo xây dựng những hợp phân tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, du lịch biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO