Quyết liệt thu hồi “đất vàng” trung tâm

LÊ ANH 27/09/2022 06:28

Trong số nhiều vụ án sai phạm liên quan đến “đất vàng” có vị trí ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, đang trong quá trình thi hành án. Tuy nhiên, kết quả thu hồi rất thấp, gây lãng phí rất lớn.

Khu “đất vàng” trung tâm quận 1 (TPHCM) tại số 8-12 Lê Duẩn đang được UBND TP HCM quyết liệt thu hồi.

Hàng loạt dự án bị thu hồi

Khu “đất vàng” tại địa chỉ số 8 - 12 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Quận 1) nằm trong diện được thu hồi theo bản án được tuyên ngày 2/12/2021 của TAND cấp cao tại TP HCM. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thành Tài - cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM đã bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gây thiệt hại của nhà nước số tiền hơn 252 tỷ đồng liên quan đến sai phạm trong vụ giao đất tại số 8-12 Lê Duẩn cho công ty Lavenue. Riêng phần trách nhiệm dân sự, UBND TP HCM có trách nhiệm thu hồi, quản lý, sử dụng toàn bộ khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn. Do đó, ngày 22/9, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thi hành án nhằm thu hồi, bàn giao khu đất trên cho UBND TP HCM quản lý, sử dụng. Đây là một trong các dự án “đất vàng” hiếm hoi được tổ chức thi hành án thực thi quyết liệt, nhanh chóng.

Cũng theo Cục Thi hành án Dân sự TP HCM, trong quá trình thực hiện thi hành bản án toàn bộ khu đất bị thu hồi bao gồm mặt bằng “đất vàng” rộng hơn 3.456m2 tại mặt tiền số 8 Lê Duẩn và toàn bộ phần diện tích hơn 1.431m2 đã giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue vào ngày 5/5/2016. Đồng thời, UBND TP HCM giao Chủ tịch phường Bến Nghé, quận 1 trao quyết định thu hồi đất cho công ty này. Nếu phía công ty không nhận hoặc vắng mặt sẽ lập biên bản, niêm yết quyết định tại trụ sở UBND phường, hoặc tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư tại đây.

Trong nỗ lực quyết liệt thu hồi các khu “đất vàng” trung tâm, Chủ tịch UBND TP HCM cũng chỉ đạo thu hồi 6.274m2 “đất vàng” tại các địa chỉ số 33 Nguyễn Du; số 34 - 36 và số 42 Chu Mạnh Trinh (cùng thuộc quận 1) do Công ty TNHH TMDV và xây dựng Việt Hân Sài Gòn nhận chuyển nhượng từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam - công ty TNHH MTV (Vinafood 2, nay là Tổng Công ty Lương thực miền Nam). Theo lãnh đạo UBND TPHCM, việc kiên quyết thu hồi các khu đất này thuộc trường hợp đất không được chuyển nhượng, tặng, cho theo quy định của Luật Đất đai mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho (điểm d, khoản 1, Luật Đất đai). Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định, trong quá trình nhận giao các khu “đất vàng” kể trên Vinafood2 đã có hành vi nhiều lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, phía đơn vị nhận chuyển nhượng sau đó là Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng thế chấp sai quy định các khu đất tại ngân hàng để vay nhiều nghìn tỷ đồng. Để tránh lãng phí tài sản nhà nước, UBND TP HCM đã kiên quyết yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng thực hiện bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để quản lý theo quy định pháp luật. Sau khi tiếp nhận khu đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM có trách nhiệm đề xuất phương án sử dụng đất, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố để tham mưu cho UBND TP HCM sử dụng đúng chức năng, hiệu quả tài sản nhà nước. Theo tìm hiểu, hiện nay quá trình thu hồi đã đến khâu niêm yết công khai quyết định thu hồi "đất vàng" tại trụ sở UBND phường Bến Nghé (quận 1).

Không để thất thoát, lãng phí

TP HCM đang quyết liệt thu hồi “đất vàng” trung tâm, nhất là các vụ án điểm về tham nhũng, lãng phí đã được tuyên và thuộc diện ưu tiên thi hành án. Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, ông Võ Văn Quận - Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM thừa nhận dù nhiều vụ án sai phạm về kinh tế, tham nhũng, lãng phí đã được tuyên án nhưng kết quả thi hành án còn chậm và chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, theo ông Quận các kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thấp. Một trong các nguyên nhân là do vẫn còn tình trạng vi phạm, thiếu sót của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý (HASEM) cho rằng, không chỉ riêng TP HCM mà các trường hợp thu hồi “đất vàng” trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng gần đây đều phát sinh nhiều vướng mắc về quy trình, thủ tục và chưa giải quyết dứt điểm, chồng chéo giữa hợp đồng của các đơn vị được giao và các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng. Tại TP HCM, quá trình thu hồi đất cũng còn chậm do bất cập trong quản lý, chuyển giao, tiếp nhận quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước vốn có quá trình chuyển giao qua nhiều giai đoạn và nhiều đơn vị quản lý dẫn đến vướng mắc. Đó là chưa kể một số khu “đất vàng” đã mất hồ sơ hoặc thất lạc dẫn đến phải qua quá trình xác minh nguồn gốc nhà, đất, thời gian bố trí sử dụng,...mới tiến hành được các bước thu hồi tiếp theo” - bà Sâm phân tích.

Về công tác thu hồi các tài sản giá trị lớn, các quỹ “đất vàng” trung tâm, HĐND TP HCM đang triển khai giám sát chặt chẽ ngay từ khâu thu hồi đất đến chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND thành phố.

Theo Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Huỳnh Hồng Thanh, từ việc nắm bất các bất cập, vướng mắc ở cơ sở HĐND TP HCM sẽ làm việc với Sở TNMT TP HCM để tháo gỡ từng bước, đồng thời cũng sẽ đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục có những kiến nghị cụ thể trình sở, ngành thành phố, nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả công tác thu hồi. Theo kế hoạch 2021-2026, HĐND TP HCM khóa X sẽ rà soát lại các dự án, quy hoạch, đền bù giải tỏa, đơn giá bồi thường, bố trí nền tái định cư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, tính khả thi của các quy hoạch trong thực tiễn, nếu dự án “treo” không thực hiện thì sẽ kiên quyết đề nghị xóa quy hoạch để thu hồi hoặc hủy bỏ các dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt thu hồi “đất vàng” trung tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO