Ra giá với người bệnh

Miên Thảo 11/03/2021 06:30

Ngày 9/3, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi thông tin 34 trạm y tế phường, xã trên địa bàn tạm ngưng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), lãnh đạo Sở Y tế cùng lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP HCM đã có buổi họp bàn về vấn đề này.

Nhân viên công tác xã hội hướng dẫn người bệnh làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc.

Sau khi xem xét các nguyên nhân chủ quan và khách quan, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo BHXH TP HCM đã đi đến kết luận không để 34 trạm y tế phải ngưng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT vào ngày 1/4/2021 như BHXH thành phố đã thông báo trước đó; đồng thời yêu cầu đến ngày 15/3/2021, tất cả 34 trạm y tế trên phải hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT phục vụ người dân trên địa bàn.

Được biết, 34 trạm y tế bị tạm ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thuộc 13 đơn vị gồm: Thành phố Thủ Đức, các Quận 4, 7, 9, 10, 11, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Nguyên nhân được đưa ra khiến BHXH TP HCM quyết định tạm ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là do các trạm y tế chưa kịp bổ sung người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (do người phụ trách đã nghỉ hưu), chưa có người thay thế hoặc có sự biến động nhân sự như trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Một số trạm y tế đang trong giai đoạn làm thủ tục hành chính để được cấp phép lại do thay đổi vị trí. Bên cạnh đó, một vài trạm y tế có số lượt khám chữa bệnh BHYT ít nên tự xin ngưng khám chữa loại hình này.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đề nghị cơ quan BHXH TP HCM trước khi ngưng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế cần thảo luận với Sở Y tế để tìm ra giải pháp khả thi nhất, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Sở Y tế cũng cho rằng, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố cần báo cáo ngay với Sở Y tế khi có các trạm y tế khó khăn, vướng mắc để được hỗ trợ, không tự ý gửi văn bản đến BHXH xin ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế.

Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng đó cũng chỉ là động thái “vuốt đuôi”. Sửa sai là đương nhiên nhưng trước đó việc từ chối khám chữa bệnh bằng BHYT của vài chục cơ sở y tế là việc rất khó hiểu. Họ có quyền đó không và vì sao họ làm chuyện đó? Câu hỏi phải có câu trả lời.

Nhắc lại, trước đó, ngày 4/3/2021, BHXH TP HCM đưa ra thông tin, bắt đầu từ quý II/2021, đơn vị này ngừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại 34 trạm y tế xã, phường trên địa bàn.

Cũng trong lĩnh vực y tế, ngày 7/3, Bộ Y tế có văn bản số 1376/BYT-KHTC về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai, 4 mức giá phân biệt giàu nghèo. Bộ Y tế khẳng định, theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 19 của Luật Giá năm 2012 thì giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh của Nhà nước là dịch vụ do Nhà nước quản lý giá (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế). Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 BV thuộc Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT áp dụng theo giá dịch khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.

Chốt lại, Bộ Y tế yêu cầu BV Bạch Mai không được điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại BV này; kể cả các dịch khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá khám bệnh, chữa bệnh. Trước đó, BV Bạch Mai đã đưa ra nhiều mức giá giá khám bệnh theo yêu cầu tùy theo trình độ, học hàm, học vị của bác sĩ sẽ được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, người bệnh đăng ký được giáo sư (GS) khám là 550.000 đồng/lượt (đang áp dụng 200.000 đồng/lượt); PGS khám 450.000 đồng/lần; Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 khám 350.000 đồng/lần và thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa khám 250.000 đồng/lần. Giá giường chăm sóc toàn diện loại 1 (1 người/phòng) có mức 2,3 triệu đồng/người/ngày; giường chăm sóc toàn diện loại 2 (2 người/phòng) có giá 1,8 triệu đồng/người/ngày. Giường chăm sóc toàn diện loại 3 (3-4 người/phòng) giá 1.390 nghìn đồng/người/ngày.

Đặc biệt, BV Bạch Mai dự kiến triển khai giá giường chăm sóc toàn diện loại 2.1 (phòng 2 người/1 người bệnh đề nghị sử dụng hết cả phòng) giá 3,3 triệu đồng/người/ngày.

BV này cũng quy định giá tạm thời cho dịch vụ kỹ thuật thuộc Trung tâm Hô hấp. Cụ thể, sinh thiết phổi qua nội soi phế quản ống mềm dưới hướng dẫn của siêu âm và màn tăng sáng dưới gây mê (cho tổn thương phổi ngoại vi): 9.700.000 đồng; sinh thiết phổi qua nội soi phế quản ống mềm dưới hướng dẫn của siêu âm và màn tăng sáng dưới gây mê (cho hạch, u trung thất): 9.100.000 đồng.

Từ xưa tới nay và mãi mãi về sau, người hành nghề y luôn luôn phải là người hy sinh vì con người. Không ai mặc cả được với sự sống và cái chết, vì thế các cơ sở y tế cũng không thể “ra giá” với người bệnh. Đành rằng thu nhập của người làm nghề y phải được nâng lên nhưng cũng không thể vì thế mà từ chối người bệnh, bòn rút người bệnh.

Sở dĩ chúng tôi đưa ra hai việc trên để muốn nói rằng, nếu chỉ vì tiền mà từ chối người bệnh nghèo, tận thu của người có tiền khi họ trông cậy vào mình thì không nên làm nghề Y.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra giá với người bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO