'Rào chắn ý thức' hay là sự yếu kém?

Phạm Sỹ 17/03/2022 12:20

Việc dựng rào chắn vỉa hè ở một số tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội là tâm điểm của dư luận trong những ngày qua. Đồng thuận có, phản đối cũng nhiều. Nguyên nhân được cho là do ý thức, văn hóa chấp hành luật giao thông của một số bộ phận người dân chưa cao. Đồng thời việc dựng rào chắn này còn bộc lộ sự yếu kém về năng lực quản lý của các cơ quan liên quan.

Nội đô Hà Nội ngày càng chật chội, những dự án nhà cao tầng mọc lên ở khắp mọi nơi dẫn đến tình trạng gia tăng mật độ dân số chóng mặt. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng lại chưa thể đáp ứng kịp dẫn tới cảnh nhiều tuyến phố rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.

Đây có thể là điều tất yếu của một đô thị phát triển. Nhưng phải chăng cũng là kết quả của sự yếu kém, bất cập về quy hoạch?

Dựng rào sắt không những làm hạn chế chức năng của vỉa hè, sai thiết kế mà còn bộc lộ năng lực quản lý.

Dân số tăng nhanh đi kèm với đó là lượng xe cộ tăng ngày một nhiều. Từ lâu tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tranh thủ leo lên vỉa hè để vượt điểm ùn tắc… đã khiến cho vỉa hè ở Thủ đô trở lên quá tải với chức năng không phải của mình. Vô tình đẩy người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường dù biết sẽ nguy hiểm tính mạng.

Nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn thấp. Mà văn hóa giao thông bao gồm văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa của những người quản lý, hoạch định giao thông.

Để ngăn chặn những hành xử thiếu văn hóa đó, cơ quan chức năng Hà Nội đã dựng rào chắn cứng cho vỉa hè ở một số tuyến phố. Song việc làm này lại đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều.

Theo ghi nhận, vật liệu sử dụng trong việc dựng rào chắn bằng sắt, độ cao 50-100cm, sơn điểm màu vàng phản quang. Việc rào chắn cứng này sau khi được dựng lên đã phần nào đó phát huy được tác dụng trước mắt đó là ngăn chặn tình trạng xe máy đi lên vỉa hè, giúp người đi bộ an toàn hơn, đồng thời cũng giúp ngăn chặn việc làm hư hỏng vỉa hè.

Đây được ví như hàng rào “ý thức” ngăn chặn những hành vi ứng xử kém văn hóa với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và quan hệ giữa con người với nhau. Có thể nói, người trực tiếp tham gia giao thông đóng một vai trò quan trọng tạo nên văn hoá giao thông. Hành vi phi xe lên vỉa hè để đi đã bộc lộ một mặt tiêu cực của bức tranh giao thông Thủ đô.

Song hàng rào ngăn chặn những hành xử kém văn hóa khi tham gia giao thông đó lại cũng đang trở thành chướng ngại vật đối với người đi bộ và đặc biệt là đối với người khuyết tật hoặc xe đẩy trẻ em. Bởi hai đầu lối lên xuống, rào được bố trí so le chỉ vừa cho người đi bộ lách qua.

Phía trong hàng rào sắt, các hoạt động vẫn diễn ra.

Sau khi những rào chắn vỉa hè được dựng lên ở vỉa hè của một số tuyến phố nội đô, đã nổi lên hai chiều hướng dư luận trái chiều về vấn đề này. Có ý kiến đồng tình với cách làm nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì sự “bất tiện” mà hàng rào ý thức này đem lại.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, khi trả lời báo chí, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP Hà Nội) thông tin, rào chắn cứng chỉ được lắp đặt trên những đoạn phố có các cơ quan, trường học, bệnh viện... những nơi có lưu lượng người đi bộ lớn. Với những tuyến phố, đoạn đường mà chủ yếu là người dân sinh sống thì không thực hiện lắp đặt rào chắn để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật cũng như việc làm ăn, buôn bán của họ.

Cũng theo đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, trước khi tiến hành dựng rào chắn cứng, đơn vị đã lấy ý kiến của các lực lượng chức năng liên quan như Thanh tra GTVT, CSGT phụ trách khu vực... và đều nhận được sự ủng hộ.

Các đoạn phố dựng rào chắn cứng trên vỉa hè đều là những tuyến phố có lưu lượng lớn phương tiện giao thông qua lại và thường xuyên bị xe máy đi lên vỉa hè, chiếm dụng và gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Vị đại diện cho hay từ khi rào chắn cứng được thiết lập đã phát huy hiệu quả, ngăn chặn tình trạng xe máy đi lên vỉa hè, giúp người đi bộ an toàn hơn, đồng thời cũng giúp ngăn chặn việc làm hư hỏng vỉa hè. Đây là phương án trước mắt để hình thành ý thức cho người tham gia giao thông ở các điểm nóng ùn tắc. Về lâu dài, việc lắp đặt nhiều các rào chắn không phải là phương án tối ưu, mà cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Từng có một thời gian cách đây không lâu, Hà Nội cũng có phong trào trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng rồi đâu lại vào đấy và giờ một giải pháp tình thế thể hiện sự “bí bách” lại được triển khai. Vậy đến khi nào cơ quan chức năng, những nhà quản lý của thủ đô mới tìm ra được giải pháp bền vững, tổng thể cho thiết thực?

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) khẳng định, việc dựng rào chắn là không hợp lý và nó thể hiện năng lực của cơ quan quản lý về vấn đề này. Cần chấm dứt tình trạng cái gì không quản được là lại rào cấm.

“Trước hết cần phải có nhận thức đúng đắn về thực hiện chức năng của hệ thống giao thông thành phố. Vỉa hè là không gian chuyển tiếp giao thông.

Trong quản lý đô thị hiện nay chúng ta phải áp dụng tích hợp đa dạng các yêu cầu quản lý, vừa tuyên truyền vận động kết hợp xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời huy động trách nhiệm của cộng đồng tham gia. Vì cộng đồng là trung tâm trong cuộc sống của đô thị hiện nay. Việc dựng rào như vậy sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không gian đi bộ và đặc biệt là không gian chuyển tiếp giao thông.

Từ đó có thể thấy việc dựng rào sắt vỉa hè là một giải pháp thể hiện năng lực quản lý. Vai trò chức năng của cộng đồng chưa được như mong muốn, vì thế cần phải xem xét lại”- ông Nghiêm nói.

Một số tuyến phố Hà Nội được dựng hàng rào sắt để ngăn cản xe máy đã làm hạn chế đi chức năng của vỉa hè. Không những thế còn làm mất mỹ quan đô thị. Thủ đô của một nước nhưng vỉa hè lại bị “quây cũi”. Trong khi đó có nhiều tuyến phố nội đô vỉa hè phải đảm nhận thêm chức năng khi trở thành bãi đậu xe. Phải chăng đó là biểu hiện của sự yếu kém trong quản lý của những cơ quan chức năng liên quan?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Rào chắn ý thức' hay là sự yếu kém?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO