Rèn kỹ năng cho học sinh từ tiểu học

Phương Linh (thực hiện) 12/06/2017 09:05

Hiện nay có nhiều cuộc thi sáng tạo, đòi hỏi kỹ năng, hiểu biết về khoa học kỹ thuật cao dành cho lứa tuổi từ tiểu học như cuộc thi Robothon toàn quốc, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học... Tại mỗi trường, mỗi địa phương cũng thường xuyên cho các em thực hành, làm quen với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát huy tính sáng tạo.

Anh Nguyễn Quang Thạch.

Anh Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập Chương trình Sách hoá nông thôn khẳng định, việc cho các em làm quen, tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật từ nhỏ, sẽ giúp các em trang bị được nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Là người mang nhiều tâm huyết cho sự phát triển tri thức cộng đồng, anh thấy rằng khi học sinh tiểu học, THCS được tham gia hoạt động sáng tạo, các cuộc thi liên quan đến khoa học kỹ thuật, các em sẽ có được những kỹ năng gì?

Anh Nguyễn Quang Thạch: Lúc tôi học lớp 4 cũng đã từng chế tạo được ra chong chóng bằng mo cau chạy dưới nước, lên cấp THCS cũng tiếp tục chế tạo ra được nhiều thứ… Chính vì những năm tháng tuổi thơ được trải nghiệm chế tạo, đã thôi thúc tôi làm ra chương trình Sách hóa nông thôn một cách chuyên nghiệp. Mặc dù tôi không học về thư viện, không học về vận động chính sách hay truyền thông, nhưng đã tự học, tự khám phá được.

Cho nên việc trẻ em hôm nay mới học Tiểu học, THCS đã được tham gia vào tiến trình thi, thực hành khoa học kỹ thuật đến đỉnh cao là điều chúng ta rất cần khuyến khích. Những cuộc thi liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học sẽ nuôi dưỡng cho các em đam mê khoa học, tạo nghề cho các em trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện, trải nghiệm các em cũng sẽ nuôi dưỡng được kỹ năng sống một cách tự nhiên, như một đầu ra nghiễm nhiên của giáo dục chứ không phải đi học các kỹ năng sống, giá trị sống ở các lớp học ngọn nữa. Đây là cách giúp nuôi dưỡng đam mê khoa học trong các em, nuôi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống, tạo nghề cho các em trong tương lai. Tạo nghề có thể không phải chỉ ở tầm vóc quốc gia, mà là công dân toàn cầu…

Độ tuổi tiểu học thì có phù hợp không, bởi vì ngay những lớp lớn hơn các em cũng khó tiếp cận, thực hành khoa học kỹ thuật?

- Có ý kiến nói rằng, tâm hồn và trí não con trẻ như một tấm bảng trống, chúng ta cho đầu vào như thế nào thì đầu ra tương lai của các em cũng như vậy. Thế nên nếu từ nhỏ các em được trải nghiệm các bộ môn khoa học kỹ thuật, toán học, về độ chính xác cao, về lập trình, viết code… thì chắc chắn sẽ nuôi dưỡng cho các em về mặt tư duy logic, tư duy hệ thống... Khi đứa trẻ trải nghiệm được cả một quy trình từ a đến z để ra một sản phẩm, điều khiển được rô bốt chạy thì sẽ hình thành cho các em nhiều kỹ năng. Cho nên chúng ta không cần lo ngại chuyện này.

Tuy nhiên những cuộc thi này thường chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn, điều này gây nhiều thiệt thòi cho các em tỉnh lẻ?

- Tôi theo đuổi chương trình Sách hóa nông thôn đã 20 năm, tôi cũng rất trăn trở trong việc làm thế nào để trẻ em nông thôn được tiếp cận những tri thức khoa học, tiếp cận sách vở như trẻ em thành thị. Về mặt sách, chúng tôi đã có chương trình sách hóa nông thôn, nhưng còn về mặt máy tính, mặt tiếp cận STEM thì chưa có nhiều. Đến với những cuộc thi chỉ tổ chức quy mô ở các thành phố lớn tôi rất thương trẻ em nông thôn, vì các em bị khuyết thiếu quá lớn.

Chương trình Sách hóa nông thôn cũng đã tiếp cận với Công ty sách Long Minh làm STEM tái chế cấp thấp, một phần bù lại thiệt thòi cho các em.

Tôi cũng hi vọng sẽ có nhiều cuộc thi sáng tạo lan đến cấp huyện, để trẻ em nông thôn được trải nghiệm. Nhưng chắc chắn phải có nhà nước vào cuộc, doanh nghiệp tham gia vào tiến trình giáo dục. Chẳng hạn các cuộc thi cấp huyện phải có ngân sách cấp ra để tổ chức, như vậy thì trẻ em nông thôn sẽ được lợi.

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rèn kỹ năng cho học sinh từ tiểu học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO