Sách giáo khoa cho năm học mới: Tránh bán kèm tài liệu tham khảo

Lam Nhi 27/06/2020 09:19

Việc chi thêm vài trăm nghìn đồng để mua những cuốn sách không cần dùng đến rõ ràng là một sự lãng phí.

Ảnh minh họa.

Đối với sách giáo khoa (SGK) theo chương trình hiện hành, cả nước vẫn dùng chung một tài liệu duy nhất song giá cả bộ sách tại các trường bán cho học sinh lại rất khác nhau. Lý do ngoài SGK, các trường còn bán kèm thêm sách tham khảo, sách bài tập, sách bổ trợ… Câu chuyện “bia ít, lạc nhiều” đã tồn tại nhiều năm qua dù đã được cảnh báo nhiều.

Không tăng gánh nặng cho phụ huynh

Cuối năm học, các nhà trường thường phát thông báo đến phụ huynh yêu cầu đăng ký mua SGK, sách tham khảo, đồ dùng học tập… cho năm học mới. Năm nay, do năm học kết thúc muộn hơn nên đến thời điểm này nhiều trường mới bắt đầu gửi đăng ký mua sách tới các gia đình học sinh.

Các phiếu đăng ký mua sách được nhà trường gửi cho học sinh mang về đưa phụ huynh, đều có ô đồng ý hoặc không đồng ý mua sách. Nghĩa là đa số các trường không bắt buộc phụ huynh phải mua sách. Cô giáo cũng không ép hay “vận động ngầm” phụ huynh phải mua sách song đa số phụ huynh đều đăng ký do tâm lý đằng nào cũng phải mua sách cho con.

Bên cạnh đó, sách do nhà trường bán một là yên tâm không phải sách giả, hai là đảm bảo đúng, đủ theo yêu cầu dạy học của Bộ GDĐT, ba là nhỡ ra ngoài mua lại không đủ bộ, thiếu quyển này, quyển kia… thì con không có sách học. Đó là chưa kể tình trạng có năm thiếu SGK lớp 1 khiến nhiều bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo đi lùng mua sách cho con.

Chính vì vậy, dù trong danh mục thống kê có dư thêm vài cuốn sách tham khảo, bổ trợ hay cuốn vở viết, bộ đồ dùng học Toán, học Tiếng Việt… đi kèm có thể không mấy khi dùng, thậm chí không dùng đến suốt cả năm học do cô không đủ thời gian dạy các kiến thức nâng cao này trên lớp, về nhà bố mẹ cũng không biết để hướng dẫn con vì nhiều bài quá khó…

Song không mấy bậc phụ huynh từ chối vì không biết chính xác quyển nào không dùng đến, quyển nào không cần thiết. Mua thừa còn hơn thiếu, nhất là với tâm lý đầu tư cho việc học của con thì chẳng ông bố, bà mẹ nào lại nỡ từ chối!

Tuy nhiên, việc chi thêm vài trăm nghìn đồng để mua những cuốn sách không cần dùng đến rõ ràng là một sự lãng phí. Bản thân phụ huynh cũng cần cân nhắc, tỉnh táo để kiên quyết nói không với những sách bổ trợ không cần thiết ngoài danh mục SGK do Bộ GDĐT quy định.

Năm học 2020- 2021, chương trình GDPT mới chính thức triển khai ở lớp 1 với đa dạng các bộ SGK. Ngoài bản giấy, các đơn vị xuất bản còn có thêm các chính sách nhằm tăng thêm giá trị cho bộ sách của mình. Ví dụ như cung cấp sách giáo viên, học liệu điện tử, hệ thống bài giảng mẫu, hệ thống bài tập tương tác điện tử miễn phí.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) quan điểm của Bộ là khuyến khích sự đồng hành của các đơn vị xuất bản". Tuy nhiên, những tài liệu, học liệu đi kèm nên miễn phí, không bán kèm, để tránh việc "bán kèm sách tham khảo và thiết bị dạy học" cùng với SGK, gây gánh nặng cho các nhà trường và phụ huynh.

Kiên quyết xử lý sách giáo dục giả

Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp xử lý tình trạng sách giáo dục bị làm giả trong giai đoạn đang thực hiện đổi mới chương trình - SGK phổ thông.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, trên thị trường trong thời gian qua xuất hiện tình trạng có nhiều xuất bản phẩm, đặc biệt là sách giáo dục giả tại một số địa phương. Việc này gây bức xúc dư luận, tác động tiêu cực đến học sinh, phụ huynh, giảm uy tín của đơn vị xuất bản, các tác giả sách. Vấn đề trên trở thành mối lo ngại làm chất lượng dạy và học trong các trường, việc sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong lĩnh vực xuất bản bị ảnh hưởng.

Bộ GDĐT đề nghị Bộ Công thương phối hợp giải quyết tình trạng trên và đưa nội dung này vào kế hoạch công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hằng năm để triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời.

Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nhận định sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át lát địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục... Ngoài ra, các phiên bản sách điện tử của sách giáo dục cũng bị phát tán tràn lan dưới nhiều định dạng, nguồn gốc khác nhau.

Để giải quyết tình trạng này, cần đẩy mạnh và nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm từ các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động vào cuộc của các nhà xuất bản cũng như kêu gọi mọi người dân chung tay phát hiện để ngăn chặn vấn nạn sách giả đang nhức nhối hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa cho năm học mới: Tránh bán kèm tài liệu tham khảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO