Sách giáo khoa: Đến hẹn lại… lo

PHƯƠNG MAI 15/08/2022 09:18

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở Hà Nội và TPHCM sẽ đi tiên phong trong việc dùng ngân sách mua khoảng 70% sách giáo khoa để học sinh sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh mượn sách giáo khoa để học không chỉ tránh được lãng phí, làm vơi bớt lo toan của phụ huynh nghèo, mà còn dạy các em bài học về tiết kiệm và giữ gìn của công.

Phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc mua sách giáo khoa cho con phục vụ năm học 2022-2023.

Hiệu quả từ sách “chuyền tay”

Có lẽ, trong ký ức của lứa học trò cách đây chừng 25-30 năm thì câu chuyện sách học “chuyền tay” vẫn còn được lưu giữ.

Anh Nguyễn Văn Trọng, 40 tuổi, một công chức sống tại Thái Nguyên nhớ lại: Hồi đó gia đình tôi nghèo lắm, mẹ tôi phải đi mượn sách của các gia đình hàng xóm có con học các lớp trên chúng tôi. Khi anh em chúng tôi học xong thì lại chuyển cho các gia đình khác có nhu cầu. Nói về nội dung thì những cuốn sách giáo khoa (SGK) ở bậc tiểu học dễ học, dễ nhớ và cuốn học vần đã gieo vào chúng tôi nhiều cảm xúc, để những bài học ấy chúng tôi vẫn nhớ tới hôm nay.

“Giờ thì khác rồi, tôi vừa chạy đôn chạy đáo mấy cửa hàng mới đủ bộ SGK cho con, sách của đứa lớn thì học xong cùng bỏ bởi trường của đứa sau lại học theo chương trình khác. Nội dung sách nhất là môn tiếng Việt thì khiên cưỡng, toán thì theo kiểu tư duy của các giáo sư, tiến sĩ viết sách nên phụ huynh khó tiếp cận khi dạy con. Đó là chưa kể giá SGK năm nay tăng gấp 3-4 lần. Chỉ riêng SGK đã là cản trở lớn cho học sinh đến trường, chưa kể những khoản đóng tiền đầu năm càng khiến phụ huynh lo lắng, bất an”, anh Trọng chia sẻ.

Tại TP HCM, anh Nguyễn Kim cho hay: Tôi thuộc thế hệ học phổ thông trước năm 1975. Ngày đó vấn đề mượn SGK cũng được đặt ra do không phải học nào cũng đủ tài chính để mua hết bộ cho một năm học. Trường tôi học tổ chức cho mượn:

Đầu năm học đóng tiền thế chân số sách mình mượn, cuối năm trả lại, nếu ai làm hư hỏng sách sẽ bị trừ tiền, nếu giữ gìn tốt thì sẽ được hoàn tiền thế chân. Và như thế tôi đã mượn sách học đến hết lớp 9. Theo tôi, bây giờ chúng ta cũng có thể áp dụng hình thức cho học sinh mượn sách, nhưng có điều nếu SGK năm nào cũng đổi thì rất khó để thực hiện.

Nêu các giải pháp nhằm gánh nặng SGK cho học sinh, Phó giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch đặc biệt ủng hộ việc Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về SGK cho học sinh.

Theo ông Thạch, SGK cần thiết cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Tại nhiều quốc gia, họ đều có chính sách hỗ trợ về SGK thông qua việc cấp tiền hoặc cho học sinh mượn SGK…

Tại Việt Nam, phải xác định học sinh là đối tượng cần được bảo trợ. Do vậy, SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm, khi đại bộ phận người dân có thu nhập chưa cao, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi.

Là người gắn bó trực tiếp với sự nghiệp “trồng người”, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng nêu ý tưởng, bộ SGK cấp độ 1 (giá cao): giấy tốt, in đẹp (4 màu)… để ai có khả năng thì có SGK chất lượng cao để mua. Bộ SGK cấp độ 2 (giá rẻ hơn): giấy rẻ hơn, in 2 màu… người ít tiền có SGK “giá mềm” để mua.

Nhà nước cấp ngân sách mua bộ SGK cấp độ 2 trang bị cho thư viện trường học, người dân không có tiền mua SGK thì mượn của nhà trường, cuối năm học trả lại cho thư viện trường. Ngoài ngân sách nhà nước, vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tặng SGK cho thư viện trường học, tủ sách dùng chung cho nhiều thế hệ học sinh.

Đồng quan điểm, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cũng phân tích: Thực ra những mô hình thư viện trường học, tủ sách dùng chung đã được thực hiện từ lâu nay nhưng chưa được quan tâm đích đáng. Nhân việc SGK mới có giá thành cao thì cần phải thực hiện nghiêm túc những mô hình này, tận dụng những kinh nghiệm đã có từ thời trước để áp dụng, vừa tránh lãng phí SGK cũ, vừa giảm gánh nặng cho người dân.

Học sinh có điều kiện và mong muốn mua SGK để sử dụng thì đó là lựa chọn của gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa thì được cấp phát hoặc giảm giá bán; trường học bắt buộc phải có tủ sách dùng chung để học sinh nào có nhu cầu mượn sử dụng.

“Cần có quỹ hỗ trợ về SGK do phụ huynh và các nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp để nhà trường cho học sinh mượn, hoặc cho thuê với giá rẻ tùy điều kiện. Số tiền thu từ việc cho thuê SGK này lại dùng để bổ sung, quay vòng cho quỹ để làm phong phú hơn tủ sách dùng chung đó”, ông Ân kiến nghị.

Gánh nặng sách giáo khoa đang gây bức xúc trong xã hội.

Nhiều kinh nghiệm hay từ các nước

Trước thực trạng SGK làm đau đầu các vị phụ huynh, thậm chí đang là một cản trở học sinh đến trường. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), kinh nghiệm sử dụng SGK tại các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore... sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam khi triển khai chương trình phổ thông mới.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, về vấn đề kiểm duyệt để kiềm chế giá sách, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương của Nhật Bản sẽ chọn SGK để đưa vào nhà trường. Trong khi đó, ở Pháp, Đức, Hungary, Singapore và Thụy Sĩ, SGK được nhóm các giáo viên chọn từ những danh mục chính thức. Ở một số vùng của Đức, cơ quan thanh tra có thể cho phép hoặc có thể phải tham khảo ý kiến tư vấn của phụ huynh và học sinh. Tại Ý, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển và đối với các trường THPT ở Thụy Sĩ thì giáo viên sẽ là người chọn SGK.

Việc cung cấp SGK ở nhiều quốc gia có sự khác nhau. Tại Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển và Thụy Sĩ, các cơ quan quản lý giáo dục trung ương hoặc địa phương sẽ phát miễn phí SGK. Tất cả học sinh Nhật Bản đều nhận được một bộ sách mới hằng năm.

Tại Ý và Singapore, phụ huynh mua SGK cho con (miễn phí cho học sinh nghèo). Trong khi đó, Pháp, Nhật Bản và Thụy Sĩ quy định phụ huynh chỉ phải mua SGK cho con mình ở bậc THPT.

Để kiềm chế giá, tần số thay đổi SGK chịu sự kiểm duyệt như ở Ý (khoảng thời gian mỗi lần thay đổi không xác định), Pháp và Nhật Bản (thay đổi tối thiểu 4 năm một lần), và ở bang Kentucky - Mỹ (chu kỳ 6 năm).

Trong khi đó, Ủy ban SGK trường học thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa trong mỗi địa phương ở Đức kiểm soát danh mục của các SGK trong mỗi bộ môn dùng trong lớp học. Mỗi Bộ Giáo dục và Văn hóa bang công bố danh mục các SGK được chấp thuận bởi chính quyền bang. Những người thẩm định SGK do Bộ Giáo dục và Văn hóa chỉ định, cán bộ nhà trường sẽ chọn SGK thuộc danh mục được phê chuẩn.

Để tăng cường cơ hội cho mọi học sinh tiếp cận tất cả nguồn tài liệu dạy học sử dụng trong nhà trường, SGK và các tài liệu dạy học khác đều do chính quyền các bang cung cấp miễn phí cho học sinh. Học sinh trong các trường nhà nước được cung cấp miễn phí SGK và đồ dùng học tập nào đó (như máy tính). Đối với một số đồ dùng khác (bút, giấy mực, dụng cụ vẽ, dụng cụ học nghề thêu và thủ công...) học sinh hoặc gia đình phải tự mua.

Tại Mỹ, SGK do các tổng công ty tư nhân phát hành. Khoảng 10 tổng công ty chi phối ngành công nghiệp này. Lựa chọn SGK thuộc về thẩm quyền của địa phương.

Tại Pháp, hiệu trưởng có quyền chọn những NXB hoặc cửa hàng sách để chọn những SGK đã được chấp thuận. Nói chung, danh mục các SGK mà nhà trường đã chọn rất ít thay đổi, nghĩa là SGK được sử dụng lại cho năm học tiếp theo ở bậc THCS. Bất kỳ sự thay đổi SGK hoặc mua những sách tham khảo trong suốt năm học đều bị cấm. Giáo viên ở Pháp không được sử dụng những SGK khác nhau cho các lớp học cùng trình độ.

Cho mượn SGK: Tại sao không?

Trở lại với một số giải pháp nhằm giảm áp lực SGK, chiều 5/8, tại TP HCM Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở Hà Nội, TP HCM sẽ đi tiên phong trong việc dùng ngân sách mua khoảng 70% SGK để học sinh sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác. “Theo tính toán, cả nước mỗi năm chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho SGK. Nếu chia ra cho 63 tỉnh thành thì con số không phải là quá lớn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Hồi tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ GDĐT, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội,… về các vấn đề liên quan đến SGK.

“Đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, trong đó đổi mới chương trình, SGK là nhiệm vụ nhận được sự quan tâm cao của người dân. Bộ GDĐT phải có biện pháp tăng cường tuyên truyền, tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vì SGK là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phía Bộ chủ quản, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, với mong muốn học sinh luôn được mua SGK với giá thấp nhất, Bộ đang triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa giá thành SGK ở mức hợp lý, thuận tiện nhất cho người học.

Cụ thể, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các NXB thực hiện nghiêm các biện pháp để sách xuất bản có thể dùng lại nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn SGK về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các Hội đồng thẩm định yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài hay lạm dụng hình ảnh…

Bộ GDĐT đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất…

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá và sẽ kiên trì với kiến nghị này.

Đồng thuận với Bộ GDĐT, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và đã đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, giao Bộ GDĐT quy định giá SGK gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để có giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong khi chờ Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ GDĐT tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá SGK.

Liên quan tới bình ổn giá sách, đã có cách làm hiệu quả của tỉnh Đồng Nai, ông Võ An Ninh - Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai cho biết: Nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh trong việc mua sắm SGK cho con em chuẩn bị năm học mới 2022-2023, công ty đã được UBND tỉnh hỗ trợ tạm ứng vốn 20 tỷ đồng từ ngân sách với lãi suất 0%, trong đó mỗi năm học sinh toàn tỉnh được hưởng lợi khoảng 5 tỷ đồng từ chương trình bình ổn giá SGK.

Theo đó, mỗi cuốn SGK sẽ được giảm giá 5% so với giá in trên bìa, với điều kiện sách được mua tại các nhà sách và đại lý thuộc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai. Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá SGK, đến nay Đồng Nai đã thực hiện việc duy trì bình ổn giá được hơn 10 năm.

Ở góc nhìn chuyên gia, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ: Ở nước ta có hàng chục triệu gia đình có con em đi học và sử dụng SGK, kéo theo chi phí dành cho SGK là rất lớn. Việc SGK tăng giá gây làn sóng trong dư luận bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều gia đình. Vì lẽ đó, SGK phải giữ giá ổn định, phù hợp với túi tiền của đa số người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

GS Phạm Tất Dong mong muốn, thời gian tới Bộ GDĐT sẽ có riêng một bộ SGK. Bộ sách này có thể mua lại của một NXB với giá bản quyền xứng đáng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ toàn quyền quản lý, sử dụng bộ SGK đó. Lúc này, việc điều chỉnh giá SGK sẽ thuộc quyền của Bộ GDĐT, của Nhà nước, thay vì quyền đó thuộc về các NXB tư nhân như hiện nay “Bộ GDĐT cần có cơ chế và quyết tâm cao nhằm giải quyết tận gốc vấn đề giá SGK.

Sau khi sở hữu bộ SGK, Bộ cần nhanh chóng triển khai việc chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành. SGK tiến tới sẽ là SGK điện tử, không cần in; ai có nhu cầu phần nào sẽ tải xuống phần đó để học và nghiên cứu. Từ đây, áp lực về SGK sẽ không còn nữa”, GS Phạm Tất Dong nêu.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh: Giá sách phải đứng về phía lợi ích của học sinh

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh.

Các địa phương được tự do chọn SGK cũng tương tự câu chuyện đấu giá mua sắm công. Sở GDĐT các địa phương phải căn cứ vào giá, cũng như gắn với các tiêu chuẩn chất lượng để chọn những bộ sách phù hợp nhất, với mức giá hợp lý nhất, mà đứng về phía lợi ích của học sinh và phụ huynh học sinh.

Bộ GDĐT cũng cần phải tạo ra cơ chế để bản thân các NXB phải cạnh tranh về giá. Lúc đó, các nhà sản xuất phải chạy đua theo, làm sao để hạ được giá thành và sinh ra được lợi nhuận, chứ không phải là chạy theo lợi nhuận là tăng giá lên cao như bây giờ. SGK là mặt hàng rất thiết yếu, cần được đưa vào danh mục Nhà nước định giá, bởi khi đưa được SGK vào danh mục định giá, thì mới được phép quản lý. Tuy nhiên, nếu định giá trần SGK cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng SGK có chất lượng.

Khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp. Đồng thời, Nhà nước nên có biện pháp để trợ giá SGK cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên: Việc thay sách giáo khoa hàng năm là một sự lãng phí rất lớn

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên.

Người viết sách và nhà xuất bản sách, nếu vì lợi ích của học sinh và xã hội, thì phải tính toán để SGK có thể dùng lại. Nếu không thể cung cấp miễn phí sách giáo khoa cho 100% học sinh ngay, thì nên có cơ chế để học sinh nghèo có thể mượn sách học từ thư viện không tốn phí.

Thực ra nội dung giáo dục phổ thông rất ổn định, chỉ có một phần nhỏ hoặc một số môn học đặc thù là cần cập nhật trong vòng 3-5 năm.

Thật nghịch lý là Việt Nam còn là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD/năm mà học sinh vứt bỏ đi hàng triệu cuốn SGK mỗi năm, trong khi các nước có thu nhập bình quân đầu người 50.000 - 60.000 USD/năm vẫn đang nỗ lực để học sinh dùng lại SGK hàng năm.

Việc vứt bỏ SGK hàng năm là một sự lãng phí rất lớn và cần được thay đổi. Không thể biện hộ là một số nội dung phải cập nhật hàng năm nên cần vứt bỏ sách cũ. Tôi xin lấy ví dụ cách chương trình Cambridge xử lý vấn đề: Với môn tin học liên tục có nội dung cập nhật thì họ dùng SGK điện tử (online) nên có thể chỉnh sửa hàng năm mà không hao tốn tài nguyên của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa: Đến hẹn lại… lo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO