Sách giáo khoa mới: Điều chỉnh quá trình thực nghiệm

Thu Hương 31/10/2020 09:00

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GDĐT đang nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm bắt buộc trong quy trình biên soạn sách giáo khoa (SGK).

Cần chú trọng việc thử nghiệm sách giáo khoa trước khi đưa ra đại trà.

Giá trị của việc thực nghiệm

Nhìn lại việc thực nghiệm các chương trình môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ ngày 23/3 và kết thúc vào 23/4/2018, chương trình đã được áp dụng với 48 trường ở địa bàn 6 tỉnh trên cả nước (18 trường tiểu học, 18 trường THCS và 12 trường THPT), tổng cộng 1.482 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình.

Khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng nhìn nhận, qua thực nghiệm nhận thấy một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học…

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), trong Thông tư 33 quy định rõ trong hồ sơ đề nghị Hội đồng thẩm định SGK, các nhà xuất bản phải thuyết minh rõ quá trình thực nghiệm sách do mình biên soạn. Theo đó, việc thực nghiệm SGK cũng giống như việc thực nghiệm chương trình. Hiện nay chương trình mới đang xây dựng theo hướng mở và thực nghiệm chương trình mới không phải là thực nghiệm toàn bộ chương trình như trước đây mà chỉ là thực nghiệm những nội dung, phương pháp, cách thức tiếp cận mới của chương trình để đảm bảo rằng nếu đưa vào thì có tính khả thi và đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Đối với SGK lớp 1 đang giảng dạy trong năm học 2020-2021, hồ sơ về thực nghiệm bản mẫu SGK chỉ được gửi cho Bộ GDĐT và Hội đồng thẩm định. Người trực tiếp sử dụng SGK không được tiếp cận nội dung này.

Là một người làm khoa học, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc thực nghiệm đối với bất cứ một công trình khoa học nào trước khi đưa vào thực tế là rất quan trọng. Đầu tiên là tiến hành thực nghiệm khoa học trong phòng thí nghiệm, sau đó đến thực nghiệm ứng dụng (trên phạm vi hẹp rồi rộng hơn có ngẫu nhiên, so sánh) đến khi đủ độ an toàn mới đưa vào áp dụng đại trà.

Các bản mẫu SGK lần này được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được Hội đồng thẩm định thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy là đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng. Việc áp dụng như vậy về bản chất có thể hiểu khi chính thức chấp thuận sách, Bộ đã cho phép thử nghiệm trên diện rộng ở bất cứ cơ sở giáo dục nào.

Thực nghiệm càng lâu, diện càng rộng càng tốt

GS Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cũng nhấn mạnh thực nghiệm SGK mới càng lâu, diện càng rộng thì càng tốt, tránh được mọi sai sót và cơ hội có được bộ sách chất lượng tốt là khả thi. Hiện sách lớp 2 và lớp 6 đã thẩm định xong vòng 1. Theo GS Đặng Tự Ân, nên triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi ít nhất được 8 tháng, cho tới tháng 5/2021, trước khi in và ban hành chính thức cho năm học 2021-2022. Với cách làm “gối vụ” như thế này thì tất cả sách trước khi ban hành dạy đại trà đều được thực nghiệm một cách có bài bản.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ điều chỉnh ba điểm quan trọng trong công tác thẩm định SGK các năm sau. Đầu tiên là quá trình thực nghiệm SGK sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây, việc thực nghiệm sách do các tác giả và nhà xuất bản chủ động phối hợp và tổ chức. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả và được triển khai trên quy mô rộng hơn, Bộ GDĐT sẽ tham gia chỉ đạo.

Thứ hai, Bộ cũng yêu cầu tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để đánh giá, rà soát sơ bộ chất lượng sách. Việc này nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi gửi đi thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét và góp ý để các tác giả hoàn thiện bản mẫu của sách tốt hơn.

Thứ ba, Bộ GDĐT lên phương án mở rộng nhóm những người góp ý bản mẫu SGK. “Bộ cũng tính đến việc đăng lên mạng bản thảo dạng PDF của sách để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở phản hồi nhận được, Bộ sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp”- ông Độ nói.

Dự kiến việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GDĐT tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu: Lần thay SGK năm 1981, SGK đã được dạy thực nghiệm 10 năm ở miền Bắc, nhưng đến khi đưa ra triển khai đại trà cả nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn: Hàng năm có hơn nửa triệu học sinh không qua được lớp 1. Lần thay sách này, với thời lượng thử nghiệm ít, đặc biệt trong bối cảnh việc chuẩn bị thay sách, tập huấn giáo viên bị ảnh hưởng do thời gian nghỉ dịch Covid-19, chúng ta càng cần cẩn trọng hơn khi đưa SGK vào sử dụng rộng rãi, cần có sự thử nghiệm trên diện hẹp trước, đủ độ an toàn mới nên đưa ra đại trà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa mới: Điều chỉnh quá trình thực nghiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO