Sài Gòn, ngày 25/4/1976

Trần Thanh Phương 22/05/2016 07:30

Mới đó mà đã tròn 40 năm! “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/ nghìn năm chưa dễ đã ai quên”, “cái buổi ban đầu cầm lá phiếu” trong ngày 25/4/1976. 

Sài Gòn, ngày 25/4/1976

Ảnh minh họa.

Tôi nhớ năm ấy nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói với anh em phóng viên báo Giải Phóng rằng, kì bầu cử năm 1976, ông hết sức cảm động và trân trọng lá phiếu bầu Quốc hội lần này, vì đây là lần đầu tiên trong đời ông được đi bỏ phiếu cho một Quốc hội thống nhất, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Ông rất tâm đắc với câu mà đồng bào xã Bình Dương (tỉnh Quảng Nam) hát trong ngày hội non sông này:

Biết bao nhiêu xương trắng máu đào
Mới có được lá phiếu bầu hôm nay.

Còn nhà văn Vũ Hạnh thì gọi đây là “Lá phiếu ngày xuân”, lá phiếu trong những tháng năm đầu đoàn viên sẽ làm tăng thêm nồng độ cho ánh mùa xuân rạng rỡ, chói lòa… Một người nữa mà cho đến hôm nay (22/5/2016) là một cử tri có thâm niên suốt 14 khóa Quốc hội Việt Nam, đi bỏ phiếu. Đó là bà Ngô Thị Huệ, đại biểu Quốc hội khóa 1(1946).

Trong Quốc hội khóa 1 có 10 nữ đại biểu, đó là các vị: Bùi Thị Diệm, Ngô Thị Huệ, Vũ Thị Khôi, Cao Thị Khương, Trịnh Thị Miếng, Trương Thị Mỹ, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Thục Viên và Lê Thị Xuyến. Đến hôm nay, duy nhất một người còn sống, đó là bà Ngô Thị Huệ, tên gọi thân mật là bà Bảy Huệ, sinh năm 1918, năm nay đã 97 tuổi, là phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Nhân đây nhớ lại một lần bà kể cho ông Vũ Mão, một đại biểu Quốc hội 4 khóa liền, từ khóa 8 đến khóa 11 và là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 15 năm, rằng bà nhớ mãi hình ảnh của những người mẹ buôn gánh bán bưng ngoài chợ đã viết tên bà trên những tấm lá chuối hay giấy gói hàng chuyển cho người khác. Những người mẹ cổ động mọi người bỏ phiếu cho bà bằng những dòng chữ nguệch ngoạc. Bà mãi mãi không bao giờ quên...

*
* *

40 năm trước, ngày đi bầu cử ở Sài Gòn thật nặng tình, nặng nghĩa. Từ sáng sớm, những trụ sở bỏ phiếu là những nơi hành lễ nghiêm trang, đây đó còn có hương trầm để tưởng nhớ Bác Hồ, tưởng nhớ các liệt sĩ, người có công với nước, với dân đã nằm xuống. Tại một phòng bỏ phiếu ở trung tâm thành phố, đúng 7 giờ sáng, vị tổ trưởng bầu cử mời toàn thể cử tri đứng nghiêm:

-Chào cờ… Chào!

Vài giây im lặng, rồi nhẹ nhàng và trang nghiêm trỗi lên tiếng nhạc quân hành “Đoàn quân Việt Nam đi…” bằng đàn Mandolin. Bài Quốc ca của chúng ta, bài ca ta đã nghe, ta đã hát muôn ngàn lần, vậy mà hôm đó, tiếng đàn vừa trỗi lên, mắt ai cũng nhòe đi…

Một câu chuyện khác. Ở tổ bầu cử số 104 đường Lê Đại Hành. Thuộc khu vực 3 ở Thành phố. Lễ khai mạc bầu cử đã xong, với mọi thủ tục đã quy định, những cử tri danh dự bỏ lá phiếu đầu tiên. Đến lượt một cụ già đầu đã bạc, cảm động cầm tấm thẻ cử tri màu hồng bước vào phòng. Bác làm đúng thể thức: Trình thẻ cử tri để đối chiếu, nhận lá phiếu bầu vào phòng riêng ngồi ghi.

Xong xuôi, bác cầm lá phiếu đã gấp tư, giơ cao tiến ra phòng giữa. Nhưng bác không đến thùng phiếu vội, mà từ từ tiến về bàn thờ Tổ quốc. Tưởng bác già cả nên nhầm lẫn, các anh chị trong tổ bầu cử đang đứng làm nhiệm vụ lễ phép và niềm nở hướng dẫn chỉ thùng phiếu cho bác. Bác gật đầu nhưng chân bác vẫn tiến về bàn thờ Tổ quốc. Bác rút trong người ra ba nén nhang, kính cẩn châm lửa. Đoạn bác đứng nghiêm, hai tay chắp lại, đưa mấy nén nhang lên trán xá ba lần. Cắm nhang trên bàn thờ Tổ quốc xong, bác quay ra bỏ lá phiếu vào thùng phiếu.

Khi bước ra khỏi phòng bầu cử, một anh phóng viên đeo phù hiệu “Báo chí” vội đón bác, cầm tay bác, hỏi:

-Thưa bác, bác nghĩ gì mà thắp nhang trước khi bỏ phiếu?

-Tôi đã nghĩ đến Cụ Hồ và những Anh hùng vô danh đã hi sinh. Tôi vái rằng, tôi sẽ chọn đúng người như ý nguyện của những ai đã đem máu xương mình hi sinh cho độc lập, thống nhất hôm nay…

Điều không quy định trong thể thức bầu cử lại được quy định trong những trái tim.

Rồi chiều ngày 10/5/1976, tại một phòng họp trung tâm Sài Gòn, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Ủy viên Hội đồng bầu cử toàn quốc, được ủy nhiệm của Hội đồng đã công bố kết quả cuộc bầu cử Quốc hội.

Thành phố Sài Gòn đã bầu cử được 35 đại biểu. Có nhiều cảm xúc nhất với giới báo chí là chị Lê Thị Thiêu, công nhân đội vận chuyển 3, thuộc Sở Vệ sinh thành phố là ứng cử viên ở khu vực ba, gồm quận 10, quận 11, quận Bình Hòa và quận Phú Nhuận, trúng cử với số phiếu bầu là 60,60%.

Chúng tôi đã đến gặp những người cùng làm việc với chị, cho biết: chị Thiêu là một nhân viên vệ sinh có đức, có tổ chức, biết đoàn kết thương yêu, giúp đỡ mọi người; dám đấu tranh, đề xuất những quyền lợi chính đáng của công nhân. Một cử tri cao tuổi ở quận 3 nói: “Ai chớ cô Thiêu thì tôi bầu. Vì cô thật xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân lao động chúng tôi”.

Ngày 2/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố được mang tên Bác Hồ, đó là một niềm vui mà nhân dân cả nước dành cho Sài Gòn - thành phố anh hùng, mà năm nay thành phố kỷ niệm 40 năm được mang tên Bác.

Thực ra, tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên tháng 1/1946, ông Huỳnh VănTiểng thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn gồm các vị: Tôn Đức Thắng, Lý Chính Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn đề nghị Quốc hội cho phép Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Nay được Quốc hội chính thức đồng ý Sài Gòn - Gia Định mang tên Người, cả thành phố bên bờ sông Bến Nghé như vỡ òa. Nhiều người Sài Gòn đề nghị: Hãy xin bắn 21 loạt đại bác và hãy xin nổi trống đồng Ngọc Lũ để chào mừng sự kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sài Gòn, ngày 25/4/1976