Sai phạm đấu thầu tại Cục Hàng hải: Mượn năng lực của nhà thầu khác để thi công công trình hàng trăm tỷ

Minh Lộc 09/07/2021 11:40

Tại Gói thầu số 7 Thi công nạo vét đoạn Lạch Huyện thuộc Dự án Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2019, sau khi trúng thầu, Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung lại mượn năng lực của doanh nghiệp khác để thi công gói thầu trên và trúng thầu với giá trị lên tới 120 tỷ đồng.

Mượn năng lực của nhà thầu khác

Gói thầu số 7 Thi công nạo vét đoạn Lạch Huyện thuộc Dự án Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2019. Bên mời thầu là Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc quy định rất rõ, tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) trong HSMT như sau: “Phương tiện thi công chủ yếu của nhà thầu phải không tham gia thi công tại công trình khác có thời gian sử dụng phương tiện trùng một phần hoặc toàn bộ với thời gian thi công của gói thầu. Nếu vi phạm nội dung này thì đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT”.

HSMT cũng quy định: “Ngoài các phương tiện, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có phương tiện thi công dự phòng phù hợp, để thực hiện gói thầu trong trường hợp phương tiện thi công chủ yếu gặp sự cố, có khối lượng phát sinh tăng ngoài khối lượng tại HSMT hoặc cần huy động bổ sung khi có yêu cầu của chủ đầu tư”.

Tại HSDT, nhà thầu Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung kê khai 11 phương tiện thi công chính (trong đó bao gồm 7 phương tiện thuộc sở hữu của nhà thầu và 4 phương tiện đi thuê); và 7 phương tiện dự phòng.

Thế nhưng ngay khi trúng thầu, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc bất ngờ có thông báo cho phép nhà thầu bổ sung một loạt phương tiện thi công không có trong HSDT (bao gồm cả phương tiện thi công chính, phương tiện dự phòng và thiết bị đi thuê). Đơn cử như: tàu chở chất nạo vét Mạnh Thắng 02, phương tiện tàu kéo HP-3696 (trên cơ sở văn bản số 1787/ CCVHHHP-PC ngày 18/10/2019); tàu đặt cẩu Phúc Nam 28, tàu chở chất nạo vét Phúc Nam 18 (văn bản 1795/CCVHHHP-PC ngày 21/10/2019).

Đồng thời, các thiết bị thi công trên cũng không thuộc sở hữu của nhà Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung, nhà thầu này cũng không có hợp đồng thuê với chủ sở hữu 3 thiết bị trên tại thời điểm tham gia nộp HSDT đấu thầu gói thầu trên.

Cụ thể, phương tiện tàu kéo HP-3696 (thuộc sở hữu Công ty TNHH Vĩnh Khánh); tàu đặt cẩu Phúc Nam 28, tàu chở chất nạo vét Phúc Nam 18 (của Công ty TNHH Phúc Nam).

Dư luận khó hiểu vì sao Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc cho phép nhà thầu Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung ngang nhiên vi phạm pháp luật khi triển khai thi công gói thầu trên, và vi phạm chính điều kiện yêu cầu trong HSMT do chính Tổng Công ty đưa ra.

Theo một chuyên gia đấu thầu, một công trình/sản phẩm được hoàn thành chủ yếu nhờ vào sự tác động của nhân lực và thiết bị, trong trường hợp này Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung không đáp ứng một trong 2 yếu tố quan trọng này. Theo vị chuyên gia trên, cần xem xét có hay không việc bán thầu của Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung khi sử dụng thiết bị thi công “ngoài luồng”?

Vị chuyên gia cho hay, thực tế, giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng là một trong những kênh khách quan nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả của toàn bộ công tác đấu thầu. Tuy nhiên, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, nên thời gian qua, dẫn đến tình trạng bán thầu, nhượng thầu trái phép vẫn đang diễn ra phổ biến trong lĩnh vực xây lắp.

Trong khi đó, thời điểm tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Gói thầu số 7 Thi công nạo vét đoạn Lạch Huyện, Công ty TNHH Phúc Nam (đơn vị sơ hữu 2 thiết bị tàu đặt cẩu Phúc Nam 28; tàu chở chất nạo vét Phúc Nam 18) chưa có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng do Cục quản lý hoạt động xây dựng cấp.

Trong vòng 5 năm qua, Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung được công bố trúng 8 gói thầu (tất cả đều thuộc lĩnh vực nạo vét luồng hàng hải), trong đó có 4 gói thầu do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc làm bên mời thầu, gồm: Gói thầu 7 thuộc Dự án Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2020 (đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm và kênh Cái Tráp; trúng thầu tháng 8/2020; giá trúng thầu 77,8 tỷ đồng); Gói thầu số 7 Thi công nạo vét đoạn Lạch Huyện thuộc Dự án Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2019 (trúng thầu tháng 7/2019; giá trúng thầu 121,003 tỷ đồng); Gói thầu số 6 thuộc Dự án Công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Cửa Việt năm 2019 (trúng thầu tháng 7/2019; giá trúng thầu 11,4 tỷ đồng); Gói thầu số 6 thuộc Dự án Nạo vét duy tu luồng hàng hải Cửa Việt năm 2018 (trúng thầu tháng 10/2018; giá trúng thầu 10,1 tỷ đồng).

Điều kỳ lạ là những gói thầu nhà thầu Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung trúng thường chỉ có 1 nhà thầu tham dự.

“Giới hạn” sự tham gia của các nhà thầu

Gói thầu số 7: Thi công nạo vét và vận chuyển, xây dựng, gia cố đê bao bãi chứa chất nạo vét Công trình Nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng năm 2020. Nhà thầu trúng thầu: Liên danh Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung và Công ty CP Thi công cơ giới và Dịch vụ trúng thầu, giá trúng thầu 77,829 tỷ đồng.

Căn cứ HSMT gói thầu trên do Cục Hàng Hải Việt Nam/chủ đầu tư phê duyệt, phần tiêu chuẩn đánh giá năng lực kinh nghiệm, bên mời thầu lại đưa ra yêu cầu: trường hợp đối với liên danh để dự thầu, số lượng thành viên của liên danh tối đa cho phép là 2 thành viên.

Trong khi đó ở Gói thầu số 6 - Thi công nạo vét duy tuy luồng, âu chứa tạm và xây dựng, gia cố đê bao bãi chứa chất nạo vét thuộc Công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu năm 2019. Giá trúng thầu gói thầu 165,59 tỷ đồng.

Trong HSMT, bên mời thầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đưa ra lý do để đảm bảo quản lý thi công, số lượng thành viên của liên danh tối đa cho phép 2 thành viên. Ngoài ra, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn 50% giá trị gói thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, liên danh là một hình thức liên kết mang lại rất nhiều lợi thế trong đấu thầu cạnh tranh. Khi tham gia đấu thầu, những nhà thầu không đủ tiềm lực sẽ liên danh với các nhà thầu khác để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo thực hiện tốt gói thầu. Theo quy định này thì trong quá trình tham gia đấu thầu, nhà thầu được phép liên danh với nhau để nộp hồ sơ dự thầu.

Liên danh thầu nhằm bổ sung khả năng thực hiên công việc giữa các doanh nghiệp liên danh. Bởi lẽ một gói thầu có thể bao gồm nhiều hạng mục công việc cần thực hiện. Việc hai hay nhiều doanh nghiệp liên danh với nhau sẽ bổ trợ các phần thiếu sót của nhau, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị giúp cho việc thực hiện công việc dễ dàng, thuận lợi, đạt hiệu quả.

Thứ hai, liên danh thầu góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp liên danh khi tham gia dự thầu. Bởi lẽ, với với nhà thầu liên danh thì năng lực được xác định bằng tổng năng lực của các nhà thầu liên danh nên dẫn đến tổng này sẽ tăng lên khi đem ra so sánh với đối thủ cạnh tranh là những nhà thầu riêng lẻ. Khi có lợi thế này thì liên danh thầu sẽ dễ dàng trúng thầu hơn. Từ đó, giúp cho nhà đầu tư tìm được đúng đối tượng thực hiện công việc và đạt được hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề trên, vị chuyên gia cũng khó hiểu vì sao bên mời thầu lại hạn chế chỉ cho phép tối đa liên danh 2 thành viên và quy định quy định cụ thể tỷ lệ % của từng thành viên trong liên danh trong HSMT.

“Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Và pháp luật về đấu thầu không có quy định “giới hạn” số lượng thành viên trong liên danh và tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng công việc của từng thành viên trong liên danh”- vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều gói thầu nhà thầu được phê duyệt trúng thầu Cục Hàng hải thi công chậm tiến độ. Có thể kể đến các công trình như:

Công trình Nạo vét duy tu luồng hàng hải Nghi Sơn năm 2019. Công trình hiện đang bị chậm tiến độ (khởi công ngày 26/7/2019, tiến độ quy định 89 ngày, chậm tiến độ trên 180 ngày);

Công trình nạo vét duy tu luồng đoạn kênh Hà Nam: Ngày ký hợp đồng: 03/11/2017; Giá hợp đồng: 18.164.715.188 đồng; thời gian thực hiện hợp đồng tại quyết định phê duyệt trúng thầu: 72 ngày. Tuy nhiên phải đến gần một năm sau mới thi công xong - ngày hoàn thành: 25/10/2018.

Công trình thi công nạo vét đoạn kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm: Ngày ký hợp đồng: 26/7/2019; Giá hợp đồng: 31.117.723.934 đồng; thời gian thực hiện hợp đồng tại quyết định phê duyệt trúng thầu 89 ngày nhưng sau hơn 5 tháng mới hoàn thành.

Gói thầu số 8: Thi công nạo vét luồng, vận chuyển chất nạo vét, xây dựng đập tràn, nạo vét hố chứa tạm và phun chất nạo vét lên bãi chứa-thuộc công trình nạo vét Thuận An 2019. Giá trị của hạng mục tương tự: 7.199.981.135 đồng, chủ đầu tư đánh giá: Hợp đồng chậm tiến độ 42 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sai phạm đấu thầu tại Cục Hàng hải: Mượn năng lực của nhà thầu khác để thi công công trình hàng trăm tỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO