Sân khấu rộn ràng chào hè

Minh Quân 03/06/2023 07:00

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp hè các đơn vị sân khấu lại cho ra mắt nhiều vở diễn hấp dẫn phục vụ công chúng, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi.

“Tấm Cám - Bống bống, bang bang” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Nhiều vở diễn dành cho thiếu nhi

Theo thông tin từ Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát đã chính thức ra mắt vở diễn “Không gục ngã” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Phùng Tiến Minh). Đây là vở chính kịch “hiếm hoi” ra mắt trong dịp hè này về đề tài phòng chống tội phạm ma tuý. Bên cạnh đó, trong dịp này Nhà hát Kịch Hà Nội cũng sẽ “diễn lại” nhiều vở cũ, như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Trái tim người Hà Nội”, “Thuý Kiều - Một kiếp đoạn trường”… Đặc biệt là “Hai viên ngọc thần” phục vụ các khán giả nhỏ tuổi.

Đã thành truyền thống, năm nay Nhà hát Tuổi trẻ cũng ra mắt hai vở diễn mới là nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn: Ánh Tuyết) và vở “Chú mèo dạy hải âu bay” được đơn vị mua bản quyền của nước ngoài. Cùng với hai vở diễn nói trên, Nhà hát Tuổi trẻ cũng sẽ tiếp tục giới thiệu tới các em nhỏ những vở diễn đặc sắc đã được dàn dựng trong thời gian gần đây như “Con chim xanh”, “Cuộc chiến Virus”, “Bầy chim thiên nga”...

Góp mặt trong mùa diễn hè năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mang đến một sản phẩm mới, đó là vở kịch xiếc “Tấm Cám - Bống bống, bang bang”. Với 3 phân cảnh độc đáo, hoành tráng, vở diễn kể lại câu chuyện cổ tích quen thuộc bằng những màn xiếc đu bay, nhào lộn, tung hứng, xiếc thú, ảo thuật độc đáo... Bên cạnh đó, “anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói là Nhà hát Kịch Việt Nam trong dịp hè này cũng sẽ tái công diễn các vở diễn như “Người tốt nhà số 5”, “Bệnh sĩ”, “Nhân thế”… Tương tự, Nhà hát Múa rối Việt Nam thì mang đến vở diễn “Thế giới thần tiên” kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cạn, rối nước cùng cốt truyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Sau khi ra mắt vào 27/5, vở rối sẽ diễn ra vào các thứ 7 hàng tuần tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, 361 Trường Chinh, Hà Nội.

Hè năm nay các đơn vị nghệ thuật phía Nam cũng “trình làng” nhiều vở diễn. Nối tiếp thành công của các mùa diễn trước, sân khấu Idecaf vừa ra mắt chương “Ngày xửa ngày xưa 34”; có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc cùng với sự dàn dựng công phu, hoành tráng, rực rỡ, đậm sắc màu cổ tích, thần tiên. Vở diễn sẽ mang đến thông điệp nhân văn về niềm tin yêu, tình cảm bạn bè và tấm lòng nhân hậu, những điều cần có của mỗi người để luôn sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ người gặp khó khăn. Được biết, hiện vé của 23 suất diễn “Ngày xửa ngày xưa” trong tháng 6 đã “cháy vé”. Trong khi đó, Nhà hát kịch 5B cũng đưa vở kịch “Đại náo Long cung” (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) - vở diễn rất ăn khách dịp Tết Quý Mão vừa qua trở lại trong dịp hè phục vụ khán giả nhỏ tuổi.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”.

Món mới, món cũ

Có thể nói, cứ vào mỗi dịp vào hè hầu hết các đơn vị sân khấu lại “rộn ràng” với các kế hoạch biểu diễn. Tuy nhiên, điểm qua các sân khấu, đơn cử như tại Hà Nội, chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ và Liên đoàn Xiếc Việt Nam là có sự đầu tư mới mẻ và bài bản để phục vụ các khán giả “nhí” trong dịp này, còn nhiều sân khấu khác chủ yếu sử dụng chương trình, vở diễn cũ. Không chỉ hạn chế về số lượng vở diễn mới, tần suất diễn các vở, đặc biệt dành cho thiếu nhi cũng khá thưa thớt. Hiện nay các chương trình sân khấu cho thiếu nhi vẫn rơi vào tình trạng mang nặng tính mùa vụ. Bởi thực tế, cứ trước các dịp như Ngày Quốc tế thiếu nhi hay Trung thu thì các sân khấu mới đưa chương trình dành cho thiếu nhi vào kế hoạch. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều nhà hát, trong lĩnh vực sân khấu, viết kịch bản đã khó, mà viết kịch bản cho thiếu nhi lại càng “đau đầu” hơn, làm sao khiến trẻ thích mà vẫn giáo dục và định hướng được là không đơn giản. Đối tượng trẻ thơ không đơn thuần là giải trí, là vui cười, mà nội dung giáo dục phải được coi trọng trong mỗi tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là kịch nói. Trong khi người lớn viết kịch bản cho thiếu nhi lại gặp nhiều vấn đề về góc nhìn, sự cảm nhận, mối quan tâm không có sự tương đồng… Không những vậy, việc đầu tư cho các tác phẩm dành cho thiếu nhi chỉ diễn theo mùa vụ chắc chắn sẽ “lỗ”.

Theo nhà viết kịch Chu Thơm, khán giả nhỏ tuổi của ngày hôm nay chính là khán giả sân khấu tương lai. Vì vậy, một trong những vai trò quan trọng của đạo diễn, biên kịch là mang đến những vở diễn hay để nuôi dưỡng tình yêu với sân khấu. Trong khi sân khấu đang phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác: phim ảnh, ca nhạc, thì lại càng phải thay đổi để hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi. Chỉ có xây dựng cho các em nhỏ thói quen thưởng thức tác phẩm sân khấu từ khi tuổi còn nhỏ mới có thể hy vọng gìn giữ thói quen giải trí lành mạnh này khi họ trưởng thành.

Theo NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cái khó trong dựng vở cho thiếu nhi chính là đổi mới chính mình, không lặp lại cái cũ nhưng cũng không nên đi quá xa, quá mới mẻ tới mức con trẻ không nhận ra, không tiếp thu được thông điệp của vở diễn. Có một điều đáng mừng là lượng vé phát hành sớm của các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em năm nay đạt kết quả khá tốt. Nhiều chương trình được các cơ quan, đoàn thể, bậc phụ huynh đặt mua từ sớm. Hai vở diễn mới của Nhà hát Tuổi Trẻ hiện đã lên lịch cho hơn 20 suất diễn. Nhà hát chủ trương không tăng giá vé trong mùa hè năm nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các phụ huynh cho con tới rạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu rộn ràng chào hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO