Sân khấu tư nhân loay hoay tìm hướng

Cao Ngọc 18/06/2020 09:45

Sân khấu phía Bắc nước ta đang ở “nốt trầm”. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập dù có sự hỗ trợ của Nhà nước cũng vẫn bị “tối đèn”. Để thay đổi điều đó, đã có những tổ chức, cá nhân nghệ sĩ tìm hướng đi mới cho sân khấu…

Cảnh trong vở Cây tre thần.
Cảnh trong vở Cây tre thần.

Sân khấu Lệ Ngọc được coi là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Với sự cố gắng và tâm huyết của NSND Lệ Ngọc, ra mắt từ tháng 9/2016, trong khoảng thời gian chưa tới 4 năm, sân khấu đã cho ra mắt các tác phẩm kịch khá đa dạng, từ kịch thiếu nhi, kịch độc diễn, đến kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới và Việt Nam…

Sân khấu Lệ Ngọc hướng tới phục vụ khán giả đa dạng, từ thanh thiếu niên tới người lớn tuổi. Đặc biệt, còn hướng tới việc đưa sân khấu ra nước ngoài, tiếp cận và giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

Chính vì thế, các kịch bản được lựa chọn đều là những nội dung đậm chất văn hóa dân gian, đậm chất văn hóa lúa nước như Con gà trống, Cải lão hoàn đồng, Ngũ biến, Thị Nở Chí Phèo, Tấm Cám và gần đây nhất là Cây tre thần...

Các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Malaysia... và ngày càng dài thêm danh sách những festival quốc tế mà đơn vị được mời tham dự.

Có nhiều tác phẩm được Sân khấu Lệ Ngọc khai thác từ văn hóa dân gian, ví dụ từ ý tưởng tranh Đông Hồ nổi tiếng Đám cưới chuột, rồi từ kho tàng truyện cổ tích Việt Nam như Cải lão hoàn đồng, Tấm Cám, Cây tre thần...

Đây vốn là những câu chuyện giản dị, dễ hiểu, dễ thẩm thấu... cũng rất gần với nền văn hóa dân gian các nước châu Á, lại mang đậm hương sắc riêng có của Việt Nam như lũy tre, làng quê Việt...

Và cũng vì thế, các vở diễn này chinh phục được khán giả Việt bởi cách nhìn khác lạ về những câu chuyện quen thuộc, trong khi khán giả nước ngoài dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ bởi nội dung giản dị...

Góp phần phong phú thêm cho kịch mục của Sân khấu Lệ Ngọc là dựng vở kinh điển nước ngoài, ví dụ như vở Kim Tử vốn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Vở diễn cũng được khán giả rất tán thưởng bởi câu chuyện về mẹ chồng nàng dâu độc đáo, lạ và gọn ghẽ.

Đặc biệt, gần đây, trong bối cảnh tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật đều gặp khó khăn do dịch Covid-19, thì sân khấu Lệ Ngọc cũng là sân khấu đầu tiên tích cực hoạt động trở lại khi tình hình dịch được kiểm soát tốt: Thực hiện liên tục 17 suất diễn tại địa điểm Rạp Đại Nam, ra đời liền 2 vở diễn mới về đề tài xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, có chuyến lưu diễn dài ngày vào phía Nam.

Đây quả là một điểm sáng hiếm thấy về sự cố gắng không ngừng nghỉ, khả năng tiếp cận với công chúng qua chất lượng vở diễn, qua công tác marketing bài bản…

Trong những năm gần đây, khán giả trẻ Thủ đô cũng bắt đầu quen và thích thú với sân khấu LucTeam của NSƯT Trần Lực cùng các học trò xuất sắc của ông. Các vở “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Bạch đàn liễu” khai thác kịch bản của những tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước với phương pháp biểu hiện ước lệ, đã thổi một luồng gió mới vào sân khấu kịch phía Bắc.

Tuy chưa thể có lịch diễn dày đặc, liên tục như Sân khấu Lệ Ngọc nhưng LucTeam cũng có được một lượng khán giả riêng, rất yêu quý và luôn quan tâm tới các vở diễn của đoàn.

Bên cạnh đó, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt ra mắt, dự định hoạt động ở cả hai miền Bắc và Nam do nghệ sĩ NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam; nghệ sĩ Quang Khải, và soạn giả Hoàng Song Việt- tác giả hàng đầu của sân khấu cải lương đang thực hiện cũng đem lại nhiều hi vọng. Sân khấu này hội tụ những cái tên lớn của đội ngũ nghệ sĩ hai miền Nam Bắc, như NSƯT Phượng Loan, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Hà Như, Lệ Hằng…

Thành lập một sân khấu xã hội hóa đã khó, để tồn tại và có chỗ đứng trong đời sống lại càng khó gấp bội. Ngay ở phía Nam, nơi khán giả nồng nhiệt và có thói quen mua vé xem kịch, hát thì nhiều sân khấu tư nhân cũng lâm vào cảnh “sớm nở tối tàn”.

Trong số gần 30 sân khấu xã hội hóa ở TP HCM, chỉ còn một số như Sân khấu IDECAF, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thế giới trẻ, Sân khấu Sen Việt… là hoạt động được tương đối. Để bán được vé, một số đơn vị buộc phải dàn dựng những vở diễn lấy yếu tố giải trí là chính.

Là mô hình xã hội hóa, sân khấu nào cũng đứng trước “bài toán” kinh tế. Sân khấu Lệ Ngọc được hoạt động thường xuyên, tích cực như hiện nay có sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và có một chiến lược kinh doanh riêng. Để Đoàn kịch LucTeam đi vào hoạt động, NSƯT Trần Lực phải bỏ tiền túi để thành lập, dần cân đối thu - chi thông qua việc bán vé, ký kết hợp đồng biểu diễn với các đơn vị…

Có thể nói, những nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm say mê của các nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa phía Bắc đã và đang tạo nên một không khí mới cho sân khấu trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu tư nhân loay hoay tìm hướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO