Đó là mong ước mà cũng là nỗi niềm của nhiều đại biểu tại Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn - Phát triển nghệ thuật Cải lương Nam Bộ” do Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM tổ chức mới đây.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đi sâu vào bàn luận giải pháp để vực dậy cải lương, công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo diễn viên cải lương và đạo diễn sân khấu phù hợp theo nhu cầu phát triển của xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những cái yếu nhất trong lĩnh vực đào tạo diễn viên cải lương là còn bất cập từ khâu tuyển chọn đến ra nghề. Hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu. Và việc thiếu người học có chất giọng là mối nguy lớn của ngành đào tạo diễn viên cải lương.
Theo NGND Ca Lê Hồng-nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, để đào tạo bậc ĐH cho ngành diễn viên cải lương thì cần chú trọng đầu vào, nghĩa là phải đi tìm những diễn viên tài năng, chứ không chỉ ngồi một chỗ đợi. Trong quá trình đào tạo cần gắn với biểu diễn, trau dồi nghề cho người học.
Còn theo NGND Hà Quang Văn, chúng ta đang đứng trong sự cạnh tranh dữ dội cả về kinh tế, xã hội và văn hóa nghệ thuật. Không phải chỉ cải lương mà bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, muốn được công chúng, xã hội đón nhận đều phải đổi mới, “làm cho hay công chúng mới đón nhận, mới bỏ tiền mua vé vô coi”. Vì thế, theo ông Văn, “chúng ta cùng bàn là làm thế nào để có một vở cải lương hay thu hút được không phải chỉ công chúng lớn tuổi, mà phải là cả công chúng trẻ”.
NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc tâm tư: “Chúng ta làm cải lương trong điều kiện xã hội đã thay đổi nên không thể làm theo kiểu cũ, có lẽ phải có sự rung cảm trong trong từng vở diễn thì mới làm cho người xem lay động… Do vậy mà trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy, thay đổi từ khâu sáng tác đến biểu diễn mới có thể phản ánh đời sống đương đại, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả”...