Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn khó đầu ra

QUỐC ĐỊNH 07/10/2022 08:00

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…

Tuy nhiên, thực tế còn nhiều thách thức. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hơn 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất NNHC lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên NNHC hơn 12.000ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới…

Tại cuộc họp bàn về giải pháp tìm lối ra cho NNHC vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Bộ NNPTNT đánh giá mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhưng chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có việc thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước chưa phát triển, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm NNHC…

Bày tỏ lo ngại, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp còn cho rằng gần đây việc rau không rõ nguồn gốc gắn mác VietGAP càng khiến người tiêu dùng lo ngại về lại sản phẩm này. Tương tự, ông Phạm Minh Đức - Phó chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho biết, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu cũng khá cẩn trọng và chưa thực sự tin vào chất lượng NNHC của chúng ta. Ông Đức dẫn chứng, khi sang châu Âu, ông luôn bị đối tác yêu cầu về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến DN phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm.

Ngoài vấn đề về chất lượng, lòng tin, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, giá hàng hóa cũng đang là vấn đề khiến người tiêu dùng e ngại tiếp cận với thực phẩm hữu cơ. Theo bà Hạnh, giá sản phẩm NNHC cao hơn thực phẩm thường là 6 lần. Trong khi đó, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm chưa tương xứng.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, rõ ràng việc phát triển NNHC trên diện rộng là không dễ vì những đặc thù từ canh tác, đặc thù trong trách nhiệm bảo vệ môi trường, sức khỏe người dùng cũng như trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh. “NNHC đã và sẽ còn nhiều khó khăn. Riêng với thị trường cho sản phẩm NNHC, việc cần thiết và trước hết là phải thiết lập lại lòng tin với nhau, với người tiêu dùng và với xã hội” - ông Toản nói.

Còn dưới góc nhìn của một DN, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinamit nhận định, sản xuất NNHC đang đứng trước thách thức về thu nhập cho người sản xuất. Nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh trong khi đầu tư ban đầu rất lớn.

Có ý kiến cho rằng, mấu chốt của NNHC nằm ở cơ chế chính sách. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, người đã có thâm niên làm NNHC được 20 năm lại có hướng nhìn khác. Theo đó, chính sách rất đầy đủ, vấn đề là ở cách thức tổ chức triển khai, thực hiện. Bài học của chính DN ông Lam là xây dựng lòng tin. “Chỉ có xây dựng lòng tin bằng việc chứng minh hiệu quả từ các mô hình đã thành công mới có thể phát triển được NNHC một cách bài bản” - ông Lam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn khó đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO