Sản phẩm OCOP khó vào siêu thị

Khanh Lê 22/03/2023 06:33

Lý giải việc khó đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn, đại diện các doanh nghiệp cho biết, hàng OCOP địa phương khó bán tại siêu thị địa phương. Còn đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn ở thành phố lại càng không dễ. Vì sao vậy?

Cần chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP có chỗ đứng ở các siêu thị bán lẻ.

Khó vào siêu thị

Tại Vĩnh Phúc, theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 105 sản phẩm OCOP, trong đó 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm truyền thống có chất lượng cao. Trong những sản phẩm này đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công thương Vĩnh Phúc, dù các sản phẩm OCOP chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa theo quy định, nhưng vẫn chưa có chỗ đứng trong các siêu thị bán lẻ, cửa hàng tự chọn.

Chia sẻ về những khó khăn khi đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Bình Minh Mạc Tuấn Hải cho biết, dù sản phẩm xúc xích, thịt lợn thảo quế của công ty sau nhiều năm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, nhưng đến nay cũng chưa được đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Vấn đề không phải do hồ sơ sản phẩm không đủ điều kiện, tiêu chí, mà đối với thực phẩm tươi sống có những khó khăn nhất định. Cũng theo ông Hải, hàng vào siêu thị thì dễ, nhưng có bán được hay không lại là câu chuyện khác.

Tương tự, theo Tổng Giám đốc Công ty CP MD Queens Trịnh Kim Thư, công ty có sản phẩm trà xạ đen MD Queens đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của TP Hà Nội, dù hiện nay sản phẩm đã được tiêu thụ tại những điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của Sở Công thương Hà Nội và một số cửa hàng thực phẩm sạch, hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội cùng các tỉnh, nhưng khi đưa hàng vào các siêu thị lớn tiêu thụ, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… thì mới được duyệt. Cùng với đó là chi phí mở mã hàng, hơn nữa, các siêu thị đều yêu cầu ký gửi hàng hóa, như vậy cũng là một khó khăn đối với các chủ thể OCOP.

Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, lý giải việc khó đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn, đại diện Siêu thị GO! cho biết, hàng OCOP tại địa phương thì khó bán tại siêu thị địa phương do có nhiều hàng hóa bên ngoài. Các siêu thị luôn ủng hộ sản phẩm OCOP nhưng cần có sự hỗ trợ của địa phương trong việc tập hợp những sản phẩm OCOP, hướng dẫn quy chuẩn vào siêu thị cho các nhà cung cấp.

Kết nối để khơi thông

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) Bùi Huy Hoàng, một trong những lý do khiến sản phẩm OCOP của các địa phương bị bí đầu ra, đặc biệt là tiêu thụ tại các siêu thị là do các hộ nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán. Ngoài ra, chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp (DN) có quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, các DN sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… Điều này khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Còn theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay, vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng hóa đạt tiêu chuẩn, nhất là hàng Việt, hàng nông sản thực phẩm vào một số siêu thị đó gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trên thực tế, hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí mà nhà bán lẻ đặt ra cũng như dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính vì thế, nhà bán lẻ phải áp đặt những quy định đó lên các nhà sản xuất.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để sản phẩm OCOP thông đầu ra, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Do đó, Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất.

Để gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống siêu thị nước ngoài trong giai đoạn tới, Bộ Công thương đã triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”. Theo đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản phẩm OCOP khó vào siêu thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO