Sẵn sàng cho ngày mở cửa

Phạm Sỹ 08/03/2022 14:00

Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có bước chuyển mình đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước góp phần tích cực trong thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Đây là tín hiệu lạc quan trước ngày du lịch mở cửa tới đây, ngày 15/3.

Một hoạt động tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Trần Thường

Tìm điều kiện để “mở cửa”

Hai năm qua, hoạt động du lịch gần như bị đóng băng, hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải đóng cửa tạm thời hoặc tạm dừng hoạt động. Ngành Du lịch và lữ hành đối mặt với rất nhiều khó khăn chồng chất nhưng vẫn quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp mở đầu cho quá trình khôi phục.

Trong dịp Tết Nguyên đán có 6,1 triệu khách du lịch nội địa, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Đây là tín hiệu tích cực để mở cửa du lịch.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, để phục hồi du lịch trong tình hình mới cần 3 yếu tố, đó là An toàn, Mở và Đồng bộ. “Trong đó yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân có niềm tin đến với các điểm đến. Khi đến các điểm du lịch du khách cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ và có nguyện vọng sẽ quay lại. Cùng với đó, ngành du lịch cần tiếp tục cơ cấu lại, phát triển theo xu hướng mới, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến, trải nghiệm sâu, không đe dọa bởi sự đại trà, đông đúc. Cần khai thác yếu tố văn hóa trong du lịch, đầu tư cho văn hóa để kích thích du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần thực hiện tốt công tác truyền thông quảng bá để làm sao cho người dân có thể yên tâm đi du lịch khi dịch được kiểm soát” - ông Siêu nói.

Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa là chưa đủ mà để du lịch Việt Nam phục hồi một cách bền vững và phát triển mạnh thì khách quốc tế đóng vai trò rất quan trọng. Khách quốc tế trở lại sẽ tạo ra được nhu cầu lớn, giúp phục hồi toàn bộ hệ thống dịch vụ.

Để đảm bảo mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị nhiều giải pháp tạo điều kiện để khách quốc tế thuận tiện đến với Việt Nam tránh bị phiền hà bởi những thủ tục được cho là gây khó trong những ngày qua.

Mới đây, nhằm kích cầu thu hút khách du lịch, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tiếp tục triển khai Chương trình Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau 2 năm dịch Covid-19; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước…

Du khách quốc tế đến Hội An.

Ứng dụng công nghệ

Xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến, ứng dụng số cho dịch vụ không tiếp xúc, bán hàng qua mạng, phù hợp với thị trường và nhân lực du lịch của doanh nghiệp sau Covid-19. Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để các khách sạn thu hút khách và cũng để giảm yêu cầu về nhân lực, vốn là yếu tố cần thiết để kiềm chế chi phí khi việc thu hút nguồn nhân lực ngày càng khó khăn hơn.

Chuyển đổi số cũng có thể hỗ trợ hướng dẫn khách du lịch bằng những ngôn ngữ chưa được đào tạo. Ngoài ra, điều này tạo thuận lợi cho công ty lữ hành khi khách du lịch có xu hướng lựa chọn chuyển từ các nhóm du lịch lớn sang các nhóm du lịch nhỏ hơn, giúp tiết kiệm chi phí và giải quyết khó khăn do thiếu hụt nhân lực hướng dẫn viên. Mô hình kinh doanh trực tuyến sẽ có thể linh hoạt và ứng phó với biến động. Tiếp thị và chăm sóc khách hàng thông qua nền tảng công nghệ.

Tuy nhiên theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất.

Việc ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp du lịch và khách hàng tiếp cận nền khoa học công nghệ hiện đại của nhân loại trong cuộc sống, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế phát triển ngành du lịch theo xu hướng mới của toàn thế giới.

Đòi hỏi doanh nghiệp du lịch ngày càng đổi mới phương thức kinh doanh và ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào công việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng vị thế cạnh tranh của ngành du lịch trong tương lai.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung phải đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng thành tựu công nghệ số vào phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ngành Du lịch Việt Nam có thể phục hồi và phát triển bước ra hoà nhập với sân chơi quốc tế hay không chính là nhờ một phần lớn từ việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, các cơ quan quản lý du lịch và của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho ngày mở cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO