Sẵn sàng đổi mới?

Minh Quang 17/06/2019 08:00

Trong thời điểm hiện tại nhiều địa phương trong cả nước (trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2019- 2020. Những việc cần làm, những mốc thời gian cần nhớ sau khi biết điểm chuẩn cũng đã được các Sở GDĐT và các trường phổ biến tới học sinh, phụ huynh.

Dẫu thế, nhìn từ câu chuyện mùa thi, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Làm thế nào để giảm áp lực thi cử lên đôi vai sĩ tử? Cải tiến và đổi mới thi cử, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới- nhìn từ cách ra đề - liệu đã phù hợp hay chưa?

Sẵn sàng đổi mới?

Ảnh minh họa.

Một câu chuyện có thật từ trường hợp của một học sinh tại KĐT Linh Đàm- Hà Nội. Gia đình và học sinh này “chốt” nguyện vọng 1 là vào Trường THPT Thăng Long. Chiều 15/6 vừa rồi, Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm thi, theo đó học sinh này được 45,75 điểm. Trong mùa tuyển sinh trước Trường THPT Thăng Long lấy 49,5 điểm nên cả nhà thực sự “sốc”, phụ huynh đã lo tới việc làm đơn phúc khảo và tính tới những phương án khác. Nhưng đến chiều muộn ngày 16/6, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào Trường THPT Thăng Long chỉ có… 40 điểm khiến cả gia đình đều vỡ òa niềm vui. Những cung bậc cảm xúc từ chạm đáy lên tới tận đỉnh của tất cả người thân, được phụ huynh của học sinh này chia sẻ là một sự thử thách ghê gớm, tưởng như không có gì hơn thế nữa.

Trường hợp khác là của một phụ huynh ở phố Bà Triệu – Hà Nội có con thi vào lớp 10 THPT. Chiều 16/6 sau khi biết điểm chuẩn vào Trường THPT Thăng Long chỉ 40 điểm thì bất ngờ quá và đầy nuối tiếc vì đã không dám cho con đăng ký vào trường này bởi con thừa những 8 điểm. Đúng là chẳng biết thế nào…

Nhìn vào mức điểm chuẩn vào các trường THPT tại Hà Nội năm nay, nhiều người bất ngờ bởi điểm chuẩn nhìn chung không chỉ giảm, mà còn giảm mạnh. Đơn cử như năm 2018, Trường THPT Việt Nam- Ba Lan lấy 44 điểm, thì năm nay trường chỉ lấy 37 điểm…

Điều đáng lưu ý là trong 4 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, môn tiếng Anh có mức điểm thấp nhất với gần 45% bài thi điểm dưới trung bình. Còn tại TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn thấp ở những môn thi cơ bản như môn Toán điểm dưới 5 chiếm 49,62%; môn Văn có 5,31% bài thi dưới 5 điểm; môn tiếng Anh có 58,4% bài dưới trung bình. Đáng lưu ý có 126 bài thi môn Toán bị 0 điểm. Theo nhận định của một số giáo viên, sau 3 năm thay đổi định hướng biên soạn đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng vận dụng thực tế, trong đó môn Toán có sự thay đổi nhiều nhất, nên tỉ lệ học sinh điểm dưới trung bình môn này tại TP Hồ Chí Minh tăng lên. Câu hỏi được đặt ra, phải chăng đề thi quá khó, quá sức với học sinh?

Từ thực trạng điểm thi môn Ngoại ngữ vào lớp 10 THPT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các thầy cô trong tổ tiếng Anh của hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định đề thi môn tiếng Anh tại Hà Nội được đánh giá “dễ” nhưng lại không phải là một đề thi hay. Còn tại TP Hồ Chí Minh, phổ điểm năm 2019 môn tiếng Anh cho thấy đề thi khó hơn năm 2018 và đa số học sinh chưa quen với dạng bài, chưa biết cách vận dụng để làm bài thi. Cùng với đó, phổ điểm ở những môn thi khác như Toán, Ngữ văn, Lịch sử có thể đẹp hơn nhưng phân tích thực trạng từ giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI cũng cho thấy đề thi vẫn theo cách cũ, học sinh học máy móc…

Như vậy, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, nhìn từ câu chuyện đề thi và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở các thành phố lớn - đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Trước mắt là cần phải xem lại phương pháp dạy và học, yêu cầu đánh giá năng lực học sinh; sự thích ứng trong đổi mới trong cách ra đề thi…

Rất nhiều năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở 2 thành phố lớn nói trên luôn diễn ra trong căng thẳng, thậm chí được ví von là còn gay cấn hơn cả tuyển sinh ĐH. Mỗi một học sinh đi thi, kéo theo sự lo lắng của cả gia đình. Mà trong đó mối quan tâm lớn nhất là sao cho con em mình kiếm được một “suất” vào học trong trường THPT công lập. Theo phân tích từ các chuyên gia, chừng nào mà việc chen chân vào trường công lập còn là cái đích duy nhất, chừng đó áp lực học thi với sĩ tử còn chưa thể giảm. Trong khi mỗi năm ở 2 thành phố lớn, hệ thống trường công lập chỉ đáp ứng nhu cầu vào học của khoảng 60% học sinh toàn thành phố. Đây cũng chính là điều cần nhìn lại về hiệu quả của xã hội hóa giáo dục bấy lâu.

Trước thực trạng tuyển sinh vừa rồi, Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đang nhen nhóm kỳ vọng về sự giảm áp lực trong chương trình giáo dục phổ thông; cùng với đó là sự đối xử bình đẳng giữa hai hệ thống giáo dục công- tư, góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng đổi mới?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO