Sẵn sàng ứng phó bão số 8 và mưa lớn

Khánh Vy 13/10/2021 05:30

Ngày 12/10, bão Kompasu đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm nay. Bão số 8 đang di chuyển nhanh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên.

Trước nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng ở Bắc Bộ và Trung Bộ căn cứ vào tình hình thực tế chủ động cấm biển, kêu gọi và bố trí cho tàu, thuyền vào nơi trú tránh an toàn; di dời dân đảm bảo an toàn về dịch Covid-19.

Các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các công trường đang thi công. Các địa phương sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ…

Như vậy, chỉ trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam liên tục có các cơn bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ, nhiều người lo ngại kịch bản thiên tai cực đoan sẽ lặp lại như năm 2020 khi ghi nhận kỷ lục có tới 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới chỉ trong vòng 1 tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, điều này không có gì quá bất thường mà theo đúng quy luật. “Thực tế, chúng tôi từng cảnh báo ở giai đoạn cuối năm 2021, cụ thể từ tháng 10, 11 đến nửa đầu tháng 12 sẽ liên tiếp có các cơn bão/áp thấp đổ bộ vào Việt Nam. Còn theo thống kê các năm thì tháng 10 cũng là tháng có tần suất xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới nhiều nhất trong năm. Chính vì vậy, việc chỉ trong nửa đầu tháng 10 bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập cũng là điều hợp quy luật”, ông Hưởng cho biết.

Ông Hưởng cũng thông tin thêm: “Theo dự báo, do tác động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12 sẽ liên tục có mưa lớn ở các tỉnh miền Trung. Chúng tôi nhận định mưa trong những tháng này sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50% nhưng cường độ sẽ không khốc liệt như năm 2020”.

Theo dự báo sau cơn bão Kompasu, sẽ có khoảng 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, vẫn có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh và vùng ảnh hưởng trọng tâm sẽ là Trung Bộ, thậm chí là Nam Bộ.

Đưa tàu, thuyền vào các nơi neo đậu an toàn trước 12h ngày 13/10

Ngày 12/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra Công điện về việc triển khai ứng phó với bão số 8 và mưa lũ. Công điện yêu cầu các địa phương và đơn vị ven biển, tuyệt đối không cho tàu, thuyền ra khơi từ 12h ngày 12/10; tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết không để tàu, thuyền neo đậu tại vùng không an toàn; hướng dẫn neo đậu, chằng neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; chủ động đưa tàu, thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Việc sắp xếp tàu, thuyền vào các nơi neo đậu tránh trú đảm bảo an toàn hoàn thành trước 12h ngày 13/10.

B.Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng ứng phó bão số 8 và mưa lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO