Sản xuất chổi đót

K.Tư 15/04/2021 10:00

Theo kinh nghiệm, người thợ lành nghề sẽ cho ra sản phẩm đều, giữa các lọn không có khe hở, đường dây đan thẳng. Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót.

Sản xuất chổi đót giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những năm qua, sản phẩm chổi đót với thương hiệu Nông Phú của chị Hoàng Thị Hưng ở thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá không chỉ có thị trường ổn định trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước Anh, Úc, Ấn Độ và Trung Quốc, giúp quyết bài toán kinh tế và lao động cho nhiều người dân tại địa phương.

Chị Hưng (42 tuổi) là người không cam chịu nghèo đói, đã khởi nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau. Năm 2015, nhận thấy nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương còn nhiều, trong khi không có nghề phụ làm thêm nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chị đã mạnh dạn vay vốn mở cơ sở sản xuất chổi đót mang thương hiệu Nông Phú tại địa phương.

Ban đầu, cơ sở sản xuất chổi đót chỉ sử dụng khoảng 20 lao động địa phương. Sản phẩm được nhập cho các đại lý trên địa bàn và trực tiếp bày bán tại các chợ. Sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chị từng bước cải tiến mẫu mã, đồng thời đưa sản phẩm lên mạng xã hội chào bán và đặt làm theo yêu cầu của khách hàng.

Chị Hưng chia sẻ, chất lượng đót đóng vai trò quyết định trong việc làm ra một cây chổi bền, đẹp. Chị đã tự tìm lên các huyện miền núi như Cẩm Thủy, Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa… đặt mua và hướng dẫn bà con cách thu hoạch, phơi để đót đạt chất lượng tốt nhất. Cây đót chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm nên chị thường đặt mua với số lượng lớn để chủ động dự trữ nguyên liệu dùng cả năm.

Đót sau khi đưa về sẽ được xé nhỏ rồi buộc thành từng lọn nhỏ. Các lọn sau khi bó xong sẽ được bện lưỡi bằng cách chắp lại với nhau, sau đó dùng chỉ, dây dù hoặc dây cước, dây kẽm cố định. Đây là kỹ thuật khó nhất trong cả quá trình làm chổi.

Theo kinh nghiệm, người thợ lành nghề sẽ cho ra sản phẩm đều, giữa các lọn không có khe hở, đường dây đan thẳng; lưỡi chổi cầm lên cho cảm giác chắc chắn, các lọn gắn kết với nhau thành một khối thống nhất... Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót.

“Trung bình mỗi tháng, cơ sở cho ra thị trường khoảng 20 - 25 nghìn chiếc chổi, với giá bán bình quân từ 17 - 20 nghìn đồng/cái. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng 500 triệu đồng tiền lãi. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động; trong đó có 40 lao động thường xuyên là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, khuyết tật, với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng”, chị Hưng cho biết.

Chị Phạm Thị Yến ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc là người gắn bó với cơ sở sản xuất chổi đót ngay từ những ngày đầu thành lập. Chị bộc bạch, trước đây kinh tế gia đình chị phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn. Từ ngày làm thêm tại cơ sở sản xuất chổi đót, gia đình chị có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng để trang trải cho cuộc sống.

Theo ông Trịnh Trọng Trung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa: Từ việc xây dựng thành công thương hiệu chổi đót Nông Phú trên thị trường trong nước và xuất khẩu từ hai bàn tay trắng, chị Hưng là điển hình cho lớp người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất chổi đót

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO