Những mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ, khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”. Điều này khiến năng lực thông quan nhất thời khó đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý.
Xuất khẩu kiểu “đi chợ”
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giới với Trung Quốc.
Cụ thể, số liệu thống kê cho biết, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, đạt 70,3% kế hoạch, giảm 15,2% so với năm 2019. Theo Bộ Công thương, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập cảnh đều giảm so với năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu đạt 1,16 tỷ USD, đạt 68,2% kế hoạch, giảm 26,9%; nhập khẩu đạt 576,3 triệu USD, đạt 72% kế hoạch, giảm 18,6%; Các loại hình khác (tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác) đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2019
Phân tích rõ hơn về tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian qua, đại diện Bộ Công thương cho hay, xuất khẩu nông, thủy sản của ta sang Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của nước này đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v…
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”, tức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ, khiến năng lực thông quan nhất thời khó đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý.
Thúc đẩy giao thương hai nước
Trước tình hình đó, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa giữ được tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh biên giới.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai mới đây,Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai nhằm kịp thời tháo gỡ, khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực, trái cây tươi.
Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa thông tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.
Khi chính quyền phía Trung Quốc có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cần kịp thời trao đổi với Bộ Công thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng sẽ nỗ lực vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại, .v.v... để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc, góp phần tăng trưởng thương mại song phương.
“Bên cạnh đó, vận động phía Trung Quốc sớm xem xét bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, đặc biệt qua các tuyến vận tải đường sắt, đây là phương thức vận chuyển mà hai nước đang thống nhất thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. đồng thời tăng cường các chuyến tàu hàng chuyên dụng nhập khẩu nông sản của Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mỗi bên” , Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực với phía Trung Quốc tuyên truyền, phổ biến và định hướng các doanh nghiệp hai nước tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Sử dụng hình thức thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu, thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện đúng các yêu cầu hiện hành của hai nước về nhập khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại.