Sáp nhập các xã: Đột phá trong cải cách hành chính

Nguyên Khánh 27/07/2018 08:00

Bộ Nội vụ lấy ý kiến xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Theo đó, hàng ngàn huyện, xã sẽ thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII.

Tách dễ, nhập khó

Nói lý do vì sao lại có Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, ông Phan Văn Hùng- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, quá trình chia, tách ĐVHC đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng nảy sinh một số bất cập và hạn chế, như việc tăng số lượng ĐVHC các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước. Theo đó Dự thảo Đề án được xây dựng với mục tiêu đến năm 2021 thu gọn hợp lý ĐVHC cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Từ năm 2022 đến 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.

Góp ý kiến vào Dự thảo Đề án, ĐBQH Phạm Văn Hòa- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá, đây là một chủ trương lớn. Việc sáp nhập là cần thiết vì phù hợp với đặc điểm và tình hình của Việt Nam hiện nay. Nhiều xã hiện không đáp ứng được tiêu chí có tối thiểu 30 km2 diện tích và 8.000 dân nhưng số lượng biên chế thì vẫn được bố trí đầy đủ như những xã đáp ứng đủ tiêu chí. Điều này khiến bộ máy ngày càng phình ra, ngân sách chi thường xuyên hằng năm tăng. Sáp nhập bao giờ cũng khó khăn nhưng vẫn phải thực hiện để bộ máy bớt cồng kềnh. Không thể để tình trạng “lúc tách ra thì không thấy đơn vị nào kêu khó nhưng khi sáp nhập thì lại kêu khó khăn, vướng mắc, đặc thù”- ông Phạm Văn Hòa thẳng thắn.

Cán bộ dôi dư giải quyết thế nào?

Việc thực hiện thu gọn các ĐVHC cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định sẽ là bước đột phá trong việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại các cán bộ dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp như thế nào cho hợp lý

Ông Phan Văn Hùng cho biết theo lộ trình thực hiện, trong năm 2018, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương xây dựng xong đề án. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã, trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn. Năm 2021, tổng kết và xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022-2030.

Ông Nguyễn Hữu Đức- nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho rằng, khi sáp nhập các ĐVHC thì nhân sự của các đơn vị sẽ gộp vào. Do đó, cần có phương án cho nghỉ chế độ, điều chuyển, sắp xếp lại các vị trí, nếp sáp nhập mà đơn giản chỉ là sự gộp lại nhân sự của các đơn vị sáp nhập để chỉ giảm đi một số cấp trưởng phó thì sẽ không thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế, gọn bộ máy.

Nêu ý kiến về Đề án, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường đặt câu hỏi, nếu nhập cơ học các xã chỉ căn cứ vào quy mô dân số và diện tích thì có ổn không? Nếu tính diện tích thì quận Hoàn Kiếm của Hà Nội là quá nhỏ. Vì thế muốn làm gì đó phải rà soát sắp xếp hợp lý từ thực tiễn khách quan chứ không thể áp dụng máy móc được. Phải nghiên cứu sâu vào các yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, đặc biệt là yếu tố phong tục tập quán, xem xét trong mối liên hệ hài hòa với tiêu chuẩn về diện tích và dân số mới tính đến chuyện sáp nhập. Sắp xếp, sáp nhập để gọn bộ máy là đúng nhưng phải tính kĩ có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân hay không. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ như đổi địa chỉ trụ sở đơn vị hành chính cũng sẽ gây không ít phiền hà cho dân. Sáp nhập, sắp xếp phải hướng tới hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển, ổn định của xã hội, chứ nhập rồi tách, tách rồi lại nhập sẽ gây xáo trộn không đáng có- theo ông Cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáp nhập các xã: Đột phá trong cải cách hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO