Từ đầu năm 2020 đến nay, Mặt trận các cấp tỉnh Thanh Hoá đã tập trung bám sát cơ sở, hướng về khu dân cư, tổ chức triển khai các phong trào, các cuộc vận động đạt được những kết quả đặc biệt nổi bật.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Thuỷ - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hoá.
PV: Bà có thể chia sẻ nỗ lực của MTTQ các cấp; cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong thời gian qua?
Bà Phạm Thị Thanh Thuỷ: Có thể khẳng định đợt thi đua đặc biệt đạt được nhiều thành tích nổi bật. Qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hoá, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ; xây dựng gia đình, khu dân cư văn hoá. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng như các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tương thân tương ái, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng…
Vậy, đâu là những kết quả nổi trội nhất mà tổ chức Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên đã đạt được, thưa bà?
-Tổ chức Mặt trận các cấp đã xây dựng và phát triển hiệu quả 716 mô hình về giảm nghèo, khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm, khu dân cư tự quản về môi trường, khu dân cư thực hiện tốt nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang… Mặt trận cũng đã vận động nhân dân hiến 15 ha đất, sửa chữa và làm mới 650km đường giao thông nông thôn, đóng góp 135 nghìn ngày công. Nổi bật hơn nữa, tổ chức Mặt trận đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 1.216 căn nhà với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng, trong đó có 791 căn nhà được làm mới hoàn toàn. MTTQ và các tổ chức thành viên đã xây dựng 276 công trình an sinh xã hội với tổng nguồn kinh phí trên 80 tỷ đồng. Trong đó cấp tỉnh xây dựng 4 công trình; cấp huyện, thị, thành phố xây dựng 165 công trình…
Thưa bà, trước tác động của đại dịch Covid-19, cũng như tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung, MTTQ các cấp đã phát huy vai trò của mình ra sao và đã đạt được những kết quả cụ thể thế nào?
-Nói về đại dịch Covid-19 cũng như việc kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, tôi có thể khẳng định rằng, MTTQ các cấp cũng như các tổ chức thành viên đã nhập cuộc một cách quyết liệt, mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá 79,2 tỷ đồng; các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, thông qua MTTQ tỉnh đã kịp thời ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt, sụt lở đất trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, MTTQ còn phối hợp với tổ chức Caritas Toà Giám mục Giáo phận Thanh Hoá khảo sát, thống kê các hộ gia đình là người Công giáo đang sinh sống trên sông, đề xuất với chính quyền các cấp cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Mục tiêu của Mặt trận Thanh Hoá đặt ra trong nhiệm kỳ này là tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động. Vậy đến thời điểm này, công tác giám sát, phản biện xã hội, bước đầu đạt kết quả ra sao, thưa bà?
-Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 128 hội nghị phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh; các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trọng tâm là dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hai hội nghị phản biện xã hội, phản biện về phê duyệt phương án giá bán nước sạch; phản biện đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX. Các ban thanh tra nhân dân tại cơ sở đã giám sát 287 vụ việc, kiến nghị giải quyết 103 vụ việc. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 341 công trình, dự án, qua đó kiến nghị với chính quyền 187 công trình có những tác động làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng dân cư.
Theo bà đâu là ngọn nguồn của sự thành công mang tính đột phá của tổ chức Mặt trận Thanh Hoá trong thời gian gần đây?
-Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, không chỉ riêng tổ chức Mặt trận mà cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức thành viên đều có vai trò rất quan trọng, đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc gần dân, sát dân, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời điều chỉnh, kiến nghị nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân cũng như cộng đồng. Nhưng với vai trò, trách nhiệm của mình thì những người làm công tác Mặt trận càng phải sâu sát hơn, tận tâm, nhiệt huyết hơn, như vậy mới tạo được lòng tin và được người dân chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Trân trọng cảm ơn bà!