Sẽ vĩnh viễn không có bài hát nếu tôi không nhìn thấy câu thơ đó

NHẬT ĐĂNG 10/09/2022 07:18

Trong rất nhiều nỗi nhớ khi mùa thu về, lạ thế, có một nỗi nhớ mang tên Phú Quang. Vậy là đã sắp tròn một năm Hà Nội vắng Phú Quang. Nhưng âm nhạc của ông thì vẫn vang lên trên các sân khấu lớn nhỏ, và quan trọng hơn, vẫn ngân rung trong trái tim người yêu nhạc, yêu Hà Nội. Những nhạc phẩm như “Em ơi Hà Nội phố”, “Đâu phải bởi mùa thu”, “Hà Nội ngày trở về”, “Nỗi nhớ mùa đông”, hay “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”… vẫn được nhiều người thích, và hát trong những khung cảnh, tâm trạng khác nhau.

Nhạc sĩ Phú Quang chơi đàn trong một đêm nhạc.

Tôi nhớ, sinh thời, năm nào nhạc sĩ Phú Quang cũng làm một hoặc vài đêm nhạc ở Hà Nội. Trên sân khấu Nhà hát lớn có, ở Cung Việt Xô cũng có… Và thể nào, công chúng cũng có dịp được gặp Phú Quang, nghe ông kể về những bài hát, kể về những cuộc gặp gỡ thi ca…

Phú Quang không phải là người hát hay những ca khúc của mình, như Trịnh Công Sơn hay Trần Tiến. Nhưng Phú Quang lại có khả năng đệm đàn dương cầm cho các ca sĩ hát. Hình ảnh ông ngồi đệm đàn trên sân khấu, mang tới cho nhiều người một vẻ đẹp riêng có của nhạc Phú Quang, khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” như ca từ trong bài hát của ông.

Tôi cũng nhớ, cữ mùa thu này, khi nhạc sĩ Phú Quang còn khỏe, ở Hà Nội thế nào ông cũng tham gia một sự kiện ra mắt album hay đêm nhạc của một ca sĩ nào đó. Và tất nhiên, ông lại trở thành tâm điểm để các nhà báo trò chuyện. Phú Quang mà chuyện, sắc sảo, dí dỏm và có khi át đi cả… nhân vật chính.

Nhưng năm nay, thu này, nhạc sĩ Phú Quang đã chia xa Hà Nội. Nhớ đến ông, tôi lại nhớ đến những tâm sự mà lúc sinh thời, ông đã có dịp tỏ bày, trong một cuộc gặp gỡ, trong những cuộc trò chuyện phỏng vấn, hay trên một chương trình truyền hình…

*Tôi có nhiều bạn bè là nhà thơ. Đọc thơ của bạn bè thích lắm, thấy đời sống của dân văn chương rất sâu sắc. Mỗi khi đọc được một bài thơ hay, tôi thường đắm chìm rất lâu trong đó. Đôi khi một câu thơ vô tình, cứ quẩn quanh trong đầu, đòi có thêm một hình hài diện mạo mới trong âm nhạc, làm tôi mất ăn mất ngủ. Việc tôi có nhiều bài hát phổ thơ cũng là lẽ tự nhiên.

*…Đôi khi tôi chỉ nhặt một câu thơ mà tôi thích, rồi tôi viết thêm ca từ của tôi vào. Tôi kể câu chuyện của tôi, đằng sau câu chuyện mà nhà thơ đã kể. Một câu thơ thôi nhưng sẽ là vĩnh viễn không có bài hát nếu tôi không nhìn thấy câu thơ đó. Bởi vậy tôi luôn đề rõ điều này trong tác phẩm để tỏ lòng tôn kính người đã gợi cảm hứng sáng tác cho mình…

*Tôi bị một cái dở nhất là tôi chỉ viết được khi xúc động với những câu chuyện. Có những người thích nhạc của tôi nên đặt hàng, hỏi tôi bao nhiêu tiền thì mới viết. Tôi nói: Các anh sẽ không bao giờ ra được giá tiền đâu. Tôi rung động thì tôi viết được. Nhưng hóa ra, nhược điểm này cũng hay bởi một điều tự hào là chưa chương trình nào của tôi không hết vé.

*Có ca sĩ kia rất nổi tiếng hát nhạc của tôi, tôi rất thích. Nhưng có lần thấy cô hát trên truyền hình phá cách, tôi bày tỏ ngay là không thích. Nhạc của tôi không vặn vẹo, uốn éo được. Nếu biến báo thì có là thiên tài cũng chỉ là làm hỏng nhạc tôi mà thôi.

*Tôi viết “Sẽ một mình thôi” trong tâm trạng tận cùng cô đơn. Viết xong, tôi thường hát một mình. Cái giọng ồ ồ không hay của tôi bao nhiêu năm nay vẫn phải truyền tải giúp tôi bài hát này. Vì chỉ có mình mới hiểu hết nỗi lòng trong đó. Giờ thì có thêm Khánh Ly. Cuộc đời của cô ấy cũng cô đơn chẳng kém gì tôi. Bài hát này khi xưa chỉ dành riêng cho tôi, giờ thì dành riêng cho Khánh Ly.

*Tôi áng chừng có vài trăm ca khúc về Hà Nội. Xấp xỉ 400 ca khúc. Buồn vui tôi đều dùng âm nhạc để sẻ chia. Vì không thể có người bạn nào có thể lắng nghe và chia sẻ hết những buồn vui của bản thân tôi được.

Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ - NSƯT Tấn Minh. Ảnh tư liệu.
  • * Chỉ có một người đàn bà mình yêu vô điều kiện, yêu không hoài nghi, người đàn bà không bao giờ phản bội mình. Đó là mẹ. Mẹ đã dạy tôi triết lý sống ở đời. Mẹ tôi không học cao nhưng có thể thuộc làu Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... và dạy tôi toàn bằng thơ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... Tôi còn nhớ, hồi mới 13 tuổi, tôi làm một câu đối treo ngay trên bàn học: "Ngõ lầy lội đường trơ xác pháo/ Nhà hương tàn sàn nát đào rơi". Khẩu khí ấy tôi có là vì nhiễm tính cách mẹ tôi, chứ bố tôi thì khác, vì cụ cho rằng người có khẩu khí như thế sau này sẽ rất khổ.
  • *Tôi nhớ ngày nhỏ, một lần học bọn trẻ con nói bậy, tôi bị mẹ đánh đòn. Sau khi đánh đòn, mẹ đưa tôi ra cầu ao để tắm. Nhìn vào vết lằn vì roi, tôi hỏi: “Cái gì đây hả mẹ?”, mẹ bảo “con lươn” xong rồi khóc. Đấy là lần duy nhất tôi bị đánh đòn. Khi tôi ngoài 30 thì mẹ mất. Lúc đó, tôi đang ở Sài Gòn, cứ đi đi về về Hà Nội. Thế nhưng những ngày cuối cùng tôi đã không có mặt ở bên mẹ. Về đến nhà thì mẹ đã đi rồi. Đến giờ, tôi vẫn ân hận vì điều đó. Nhớ mẹ, tôi càng thấm thía hơn câu hát trong bài “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến: “Hà Nội có lần khóc thầm chạy lên thang gác, bóng mẹ còn đâu…”
    *Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Tôi viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình. Thì bao giờ, cả với tôi hay bất kỳ người nào viết về quê hương của mình đều rất trìu mến và sâu sắc. Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B.52, nơi đã cùng tôi hoài thai lên những ước mơ của tuổi trẻ, nơi tôi đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về.Tôi không bao giờ trách móc vợ hay những người yêu. Họ luôn mong muốn người chồng một cái gì đó: chỉn chu, đúng mực; mà người sáng tác luôn ở trạng thái không bình thường nên nhiều khi có câu đùa: lấy nghệ sĩ là lấy người dở hơi. Rất khó có người phụ nữ chấp nhận lấy chồng dở hơi.
  • *Chưa bao giờ tôi ngừng tin tưởng tình yêu và hạnh phúc là có thật trên đời. Tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng không có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Nhưng tình yêu và hạnh phúc nó giống như con chim bay đến đậu trên vai ta một vài lần trong đời đã là may mắn lắm. Chúng ta đừng hy vọng có thể cầm nắm hay sở hữu tình yêu mãi mãi. Một khi anh sở hữu được nó rồi, có thể nó sẽ chết.
  • *Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê nhưng rất mỏng manh và dễ vỡ.
  • *Chưa bao giờ tôi nghĩ gia đình lý tưởng phải có hình hài ra sao. Theo quan niệm của tôi, mỗi gia đình phải có một hạnh phúc riêng, một bi kịch riêng. Tất nhiên tổ ấm gia đình là vô cùng quan trọng. Các bạn hãy thử tưởng tượng, nếu không có con cái, cuộc sống sẽ tẻ nhạt và buồn đến mức nào. Đặc biệt, nếu không có vợ, ai sẽ cho bạn ăn, và thỉnh thoảng, ai sẽ là người dạy dỗ bạn?
  • *Tôi vẫn quan niệm rằng, con cái như những người bạn. Khi còn nhỏ, nếu nó đi chệch hướng thì mình chỉ cho nó, chứ đừng bế nó vào con đường mình muốn...
  • *Tôi vẫn trả cát xê cho con như nghệ sĩ bình thường. Giá trị của họ như thế nào tôi trả thế. Tôi không bao giờ ép ai cái gì cả, ngay cả với con mình, không bao giờ cậy mình là bố bảo con phải nghe và phải đánh bài này bài kia cho bố. Thấy các con đánh hay tôi mời còn nếu không hay có là con tôi cũng không cho đánh chứ đừng nói mời vào liveshow. Tôi có tính cách đặc biệt như thế.
  • *“Một nửa của thế giới” đã có công rất lớn trong việc tạo nên cảm xúc bất tận để những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại ra đời và lưu lại với đời. Nếu không có mẹ, không có giai nhân, không có tình yêu… thì người nhạc sĩ như tôi đã không có cảm hứng để cho ra đời những tình khúc bất hủ về người phụ nữ.
  • *Người ta cứ nói, tôi sáng tác về hết cô này đến cô kia, nhưng thực ra người tôi yêu chỉ đếm được trên đầu ngón tay có vài cô thôi. Có sáng tác vài trăm ca khúc về tình yêu thì cũng không thể có từng ấy cuộc tình với vài trăm cô được.
  • *Ai cũng yêu vinh quang, nhưng rất ít người yêu được lao động để làm ra vinh quang. Bởi vì để có vinh quang, lao động rất cực nhọc.
  • *Tôi tự đánh giá mình giống như một chú vịt, bơi một chút, chạy một chút và bay một chút. Tôi thích thử sức trong nhiều công việc để có cơ hội thử thách và thể hiện chính mình.
  • *Đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính.
  • *Tôi đã tìm đến với bài ca như đó là phương cách duy nhất hữu hiệu để làm lắng dịu đi những nỗi bấn loạn nội tâm của mình. Khởi điểm của tôi trong việc viết ca khúc chỉ nhằm một mục đích tự giải thoát khỏi những ám ảnh của một đời sống đầy bức xúc về thân phận, về tình yêu.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ vĩnh viễn không có bài hát nếu tôi không nhìn thấy câu thơ đó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO