Là "cha đẻ" của những ca khúc được đánh giá là “tuyệt hay” về Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang ghi dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp qua những bài hát đi cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, sau đó công tác tại các nhà hát, làm việc cho các dàn nhạc ở Hà Nội, TP HCM.
Ông nổi tiếng với những bản tình ca, những ca khúc trữ tình viết về Hà Nội. Những bản tình ca như: Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông...
Ngày 1/7, nhạc sĩ của “Em ơi Hà Nội phố” trở thàng một trong 37 tác giả được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước thông qua hồ sơ, đăng tải trên trang web Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến của nhân dân về việc xét giải Nhà nước. Trước đó, nhạc sĩ Phú Quang chưa có duyên nhận giải thưởng do không đạt số phiếu bầu từ hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hơn một năm nay, nhạc sĩ Phú Quang phải nhập viện do biến chứng tiểu đường, dù yếu nhưng ông vẫn tỉnh táo, vợ phải túc trực chăm sóc thường xuyên.
Bà xã Trịnh Anh Thư là người vợ thứ ba của Phú Quang, kém ông 20 tuổi và làm việc ở ngành ngân hàng. Khi quen nhau 16 năm trước, Phú Quang chỉ kém bố Anh Thư 3 tuổi và hơn mẹ chị 1 tuổi. Song mối tình của hai người vẫn được gia đình ủng hộ.
Thời điểm nhạc sĩ vinh dự nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 là khi Phú Quang đang nằm viện. Ông trở thành người trẻ nhất trong số những người được Giải thưởng Lớn nhưng không thể đến nhận giải.
Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc.
Thông tin nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời vào 8h45 ngày 8/12 tại Bệnh viện Việt Xô khiến người hâm mộ không khỏi xót thương trước sự ra đi đột ngột của một người nghệ sĩ đa tài.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long không khỏi xúc động trước sự ra đi đột ngột của Phú Quang. Trên trang cá nhân Facebook, anh viết: “Người yêu nhạc cả nước vừa chia tay vị nhạc sĩ tài hoa với trái tim dành trọn cho Hà Nội.
Những ca khúc của ông đã đi dọc theo tuổi trẻ của tôi cũng như rất nhiều bạn bè đồng trang lứa. Tôi đã hát “Điều giản dị” trong ngày thi vào trường Nhạc viện Hà Nội, để từ đấy bước vào thế giới âm nhạc mà mình mơ ước từ nhỏ.
Tôi đã rơm rớm nước mắt khi nghe NSND Lê Dung hát "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc, còn điều chi em mải miết đi tìm" (Khúc mùa thu - Lời thơ Hồng Thanh Quang) trong một đêm hòa nhạc chừng năm 1994, đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân vào Nhà hát lớn Hà Nội.
Tình khúc 24, Nỗi nhớ, Đâu phải bởi mùa thu... rất nhiều ca khúc của Phú Quang đã đồng hành cùng tôi trong quá trình học tậ, đồng thời cũng là người bạn tâm giao, làm đẹp thêm cho đời sống tinh thần của cá nhân tôi.
Rất nhiều lần tiếp xúc cộng tác với ông trong các sản phẩm âm nhạc của NXB Âm nhạc - Dihavina nơi tôi gắn bó hơn 10 năm, hoặc trong các album do Phú Quang tự sản xuất.
Trong lĩnh vực biểu diễn, chỉ một lần duy nhất trong đời đứng chung sân khấu với nhạc sĩ Phú Quang cũng cách nay gần 10 năm, khi ấy tôi được mời làm người dẫn chương trình và Phú Quang là khách mời trong một chương trình âm nhạc diễn giải dành cho tuổi trẻ, học sinh, sinh viên Hà Nội tổ chức tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội (Số 1 Tăng Bạt Hổ). Cả hai cùng trò chuyện về âm nhạc Hà Nội, về sáng tác của Phú Quang.
Nhiều khi ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc, hay thậm chí cứ tạm gọi là một màu; nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông.
Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng Phú Quang. Nó phù hợp với "gu" nghe nhạc của người Việt và Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, "mặc định" với cái tên Phú Quang.
Những bài ca như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Nỗi nhớ mùa đông, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Biển nỗi nhớ và em... rất nhiều ca khúc của Phú Quang sẽ còn cháy mãi trong trái tim người yêu nhạc".