Siết lại việc mua gạo dự trữ

Thuý Hằng 20/05/2020 08:00

Thời gian gần đây dư luận quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến việc mua gạo dự trữ. Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự biến động của giá lương thực đã đặt ra những yêu cầu về sửa đổi các quy định về đấu thầu cung cấp hàng dự trữ quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực cũng như thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia, giảm chi phí tối đa cho Nhà nước khi mua gạo.

Tổng cục Dự trữ nhà nước cho rằng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để siết chặt việc quản lý mua gạo dự trữ. Trong đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường hoạt động của đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về các sai phạm trong đấu thầu mua gạo dự trữ. Có các văn bản chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực cần chấn chỉnh công tác đấu thầu mua gạo từ khâu xây dựng, trình lập kế hoạch đấu thầu, đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định và trình phê duyệt kết quả lựa chọn đến ký kết hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về đấu thầu.

Để hạn chế tiêu cực, tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu nhanh chóng, giảm chi phí cho nhà thầu từ đó tiết kiệm được chi phí cho gói thầu, Tổng cục Dự trữ nhà nước sẽ yêu cầu 100% các Cục Dự trữ nhà nước khu vực tổ chức đấu thầu cung cấp gạo trên mạng qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác đấu thầu gạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc của các Cục Dự trữ nhà nước khu vực trong quá trình tổ chức đấu thầu gạo theo thẩm quyền. Khi phát hiện sai phạm kịp thời xử lý nghiêm, đăng tải công khai để làm gương cho các cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu như cấm tham dự thầu, trường hợp sai phạm nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan để điều tra, xác minh làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định.

Thời gian qua, việc thu mua gạo dự trữ có nhiều vấn đề. Cụ thể Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện hơn 10.000 tấn gạo của các đơn vị đã trúng thầu bán gạo cho dự trữ đợt thầu ngày 12/3, nhưng sau đó lại từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo cho Nhà nước. Sau đó, ngày 12/5 Tổng cục Dự trữ nhà nước phải đấu thầu lại trong khi giá gạo thị trường bị đẩy lên cao.

Để rút kinh nghiệm cho những lần thu mua gạo dự trữ thời gian tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Đỗ Việt Đức cho rằng, cần sớm có những biện pháp lấp những lỗ hổng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này. Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ cho rằng, trọng tâm là phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng tăng bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu cung cấp mặt hàng dự trữ quốc gia.

Thực tế, hành vi không cung cấp hàng dự trữ quốc gia không đơn thuần là vấn đề dân sự giữa các nhà thầu và chủ đầu tư, bên mời thầu mà còn là hành vi cản trở hoạt động dự trữ quốc gia theo khoản 5 Điều 22 Luật Dự trữ quốc gia, không có hàng dự trữ để đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách có thể gây mất ổn định tình hình kinh tế, xã hội.

Vì vậy, nhà thầu đã được phê duyệt trúng thầu mà không cung cấp hàng dự trữ quốc gia thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này. Để có cơ sở, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung nội dung này vào văn bản quy phạm luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia. Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước cho rằng: Cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng mặt hàng gạo mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết lại việc mua gạo dự trữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO