Siêu bão dị thường Mawar

Bảo Thư 29/05/2023 09:35

Ngày 28/5, siêu bão Mawar (còn gọi là Betty) đã áp sát vùng biển Philippines, với sức gió lên tới 270 km/giờ. Nó được coi là siêu bão mạnh nhất năm 2023 trên toàn cầu, kể từ đầu năm tới nay. Cơ quan thời tiết Philippines (PASAGA) dự kiến siêu bão Mawar có thể ra khỏi vùng ảnh hưởng đến nước này vào đầu giờ chiều 1/6.

Bão Molave (năm 2020) tàn phá đảo Luzon (Philippines). Nguồn: AP.

Theo thông báo gần nhất, siêu bão Mawar sẽ tác động tới cực Bắc đến Đông Bắc đảo Luzon (Philippine), từ hôm nay, ngày 29/5 và tiếp tục quần thảo trên biển trong 2 ngày tiếp theo, còn hiện thời nó đang duy trì sức mạnh khi tiếp tục di chuyển.

Theo PASAGA, lượng mưa tích lũy do báo Mawar gây ra phổ biến từ 50-200mm ở các vùng khác nhau. Mưa gió mùa cũng có khả năng xảy ra ở các khu vực phía Tây của Mimaropa, Visayas và Mindanao. Lũ lụt và sạt lở đất do mưa có thể xảy ra, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng và những khu vực đã có lượng mưa lớn. Trong ngày 28/5, bão Mawar di chuyển theo hướng Tây. Tới rạng sáng hôm sau, nó chuyển hướng Tây - Tây Bắc và gần như đứng yên tại Batanes cho tới ngày 30/5.

“Mặc dù nó có thể sẽ duy trì sức mạnh trong 36 giờ, nhưng không loại trừ khả năng tăng cường trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong 24 giờ tới” - PAGASA cho biết thêm.

Trong khi đó, Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản xếp bão Mawar ở cấp siêu bão do có sức gió duy trì tối đa ít nhất là 194 km/giờ. Các chuyên gia thời tiết Nhật Bản cũng cho biết, bão Mawar cũng đã vượt qua sức mạnh của bất kì cơn bão nào được ghi nhận vào năm 2022. Bão Mawar mạnh lên sau một đợt suy yếu ngắn khi đi qua đảo Guam của Mỹ hôm 24/5, trút xuống đảo này những cơn mưa lớn và gió mạnh, làm bật gốc cây cối, thổi bay mái nhà và ô tô. Theo Cơ quan Điện lực Guam, gần như tất cả 52.000 hộ gia đình và doanh nghiệp trên đảo bị mất điện, chỉ 1.000 hộ có điện. Tuy không có báo cáo thiệt hại về người, nhưng đã có thiệt hại lớn về vật chất, bên cạnh lũ lụt cục bộ, mảnh vỡ rơi xuống và đường dây điện bị đứt.

Kể từ sau khi bão Mocha đổ bộ vào Myanmar hôm 14/5 khiến 2 triệu người bị ảnh hưởng, 125 người thiệt mạng, các nhà dự báo thời tiết châu Á đã cảnh báo về một mùa bão “trên mức bình thường”.

Giáo sư khoa học khí quyển của Đại học Arizona, ông Xubin Zeng, dự đoán mùa bão năm nay ở Đại Tây dương sẽ nhiều hơn, với khoảng từ 5 đến 7 trận siêu bão. Cao điểm mùa bão với các nước châu Á ven biển bắt đầu từ ngày 1/6 và có thể đến ngày 30/11.

Trong khi đó, tiến sĩ Chris Brenchley - Giám đốc Trung tâm bão khu vực trung Thái Bình dương cho biết, vùng biển này ấm hơn khiến các cơn bão sẽ mạnh hơn cả với sức gió và lượng mưa; do tiếp nhận được nhiều năng lượng bốc lên từ mặt biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siêu bão dị thường Mawar

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO