Sợ hãi, đói khát và lạnh giá: Nỗi trăn trở của lao động trẻ em ở Kabul

Minh Tuấn (The Guardian) 14/06/2022 11:48

Khi nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng, những đứa trẻ chỉ tầm 4 tuổi đang cáng đáng kiếm miếng cơm manh áo trên những góc phố của thủ đô Afghanistan, giữa ranh giới của cơn đói và sự ấm no của gia đình.

Lọt thỏm giữa những hàng quán ven đường và đám đông người dân đi lại nhộn nhịp tại một trong những khu chợ sầm uất nhất ở Kabul, một cô bé 10 tuổi đang cố gắng mời chào những chiếc túi ni lông. “Nếu cháu không bán hàng, cả nhà cháu sẽ chết đói,” Shaista nói. Các gian hàng ở thủ đô Afghanistan chất đầy thực phẩm ngon lành, nhưng gia đình của cô bé không có khả năng chi trả nổi.

Mỗi buổi sáng, Shaista mua một vài chiếc túi ni-lông với giá 5 afghani (khoảng 0,05 đô la Mỹ) mỗi chiếc, sau đó đi ra chợ và bán chúng với giá gấp đôi. Đội ngũ nhân viên cứu trợ cho biết, khi Liên hợp quốc ước tính 97% người Afghanistan có khả năng phải sống dưới mức nghèo khó vào tháng 6, số lao động trẻ em và người ăn xin đã tăng gấp ba lần ở Kabul. Nhiều người dân đang cố cầm cự chỉ để tồn tại.

Shaista run rẩy trong đôi giày bằng nhựa mỏng manh của mình. Nhiệt độ đã giảm xuống dưới 0 độ C. Hương trà xanh mới pha và bánh mì nóng hổi từ một tiệm bánh mì gần đó phảng phất trong không khí, tuy nhiên, trừ khi có mạnh thường quân mời cô bé một bữa ăn - Shaista sẽ nhịn đói cho đến bữa tối.

Hàng trăm đứa trẻ, một số trẻ chỉ mới lên bốn, phải "dãi nắng dầm mưa" cùng bà mình trong khu chợ lớn. Một số khác khó khăn hơn chỉ có thể cầu xin, với đôi bàn tay nhỏ bé lạnh lẽo mở ra khi chúng đi lang thang qua toán người đi chợ.

Sự suy thoái kinh tế của Afghanistan đã khiến người dân nước này rơi vào khủng hoảng đói kém. Gần 80% chi tiêu của chính phủ cũ - bao gồm vô số tiền lương - là do nước ngoài tài trợ. Viện trợ chiếm 43% GDP của Afghanistan. Khi Taliban nắm chính quyền vào tháng 8 năm ngoái, các quỹ phát triển đó nhanh chóng bị đình chỉ.

Hơn 9 tỷ đô la (6,6 tỷ bảng Anh) chủ yếu là tài sản tư nhân vẫn bị đóng băng trong các tài khoản ở Mỹ. Cộng đồng quốc tế hiện đang tương tác một cách thận trọng với Các Tiểu vương quốc Hồi giáo, vì chế độ Taliban được biết đến chính thức, bị cáo buộc đã giết hàng chục cựu quan chức Afghanistan và cấm phụ nữ làm việc tại các cơ quan công quyền.

Shaista, người con lớn tuổi nhất trong gia đình có 4 con, kiếm được 50 afghani (0,5 đô la Mỹ) vào một “ngày tốt lành”. Trách nhiệm gánh vác gia đình đè nặng lên đôi vai cô. "Mỗi ngày, mẹ cháu mua bánh mì bằng số tiền cháu kiếm được. Cháu thật sự chỉ muốn đi học muốn đi học,” Shaista bộc bạch.

Ở ngoại ô thành phố, Noor Agha, 10 tuổi, là con cả trong gia đình có 8 người con, và là người duy nhất trong nhà đang có việc làm. Tại khu phố của mình với những ngôi nhà tạm bợ bằng gạch bùn và những con đường không được trải nhựa, cậu phân loại rác, tìm những mảnh nhựa dùng để sưởi ấm lò sưởi và đem sắt vụn để bán.

“Tôi bắt đầu lọ mọ khi Mặt Trời mọc và trở về nhà vào ban đêm,” cậu chia sẻ trong ngôi nhà của mình - một căn phòng với một vài tấm nệm xếp chồng lên nhau trong một góc và một cái bếp dùng để nấu nướng và sưởi ấm. Mẹ anh đã không thể trả tiền thuê nhà trong nhiều tháng; số tiền ít ỏi mà Noor kiếm được sử dụng vào việc mua thức ăn thức uống.

Theo báo cáo của ILO, đại dịch bùng phát năm 2020 khiến số lao động trẻ em tăng lên con số 160 triệu trên toàn thế giới - tăng 8,4 triệu trẻ chỉ trong 4 năm.

Báo cáo chỉ ra sự gia tăng đáng kể số trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi tham gia lao động, trong khi số từ 5 tuổi đến 17 tuổi làm công việc độc hại (được định nghĩa là công việc có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của các em) đã tăng 6,5 triệu lên 79 triệu.

ILO cảnh báo nếu tình hình không được giải quyết, đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em phải tham gia lực lượng lao động do hậu quả của đại dịch. Con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ không được tiếp cận với các cơ chế bảo trợ xã hội thiết yếu.

Lao động trẻ em từ lâu đã trở nên phổ biến ở Afghanistan. Trước khi Taliban tiếp quản, Unicef ​​ước tính có 60.000 trẻ em làm việc trên đường phố Kabul, nhưng con số này đã tăng gấp ba lần trong những tháng gần đây, đại diện quốc gia của Street Child, Hamidullah Abawi, cho biết “nguyên nhân chính là đói kém và suy dinh dưỡng”.

Ông nói: “Nhiều trẻ nhỏ phải kiếm thức ăn cho bản thân và cả gia đình. Tôi đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của trẻ em Afghanistan trong những tháng gần đây và điều đó thật đau lòng”.

Trong khi viện trợ lương thực đã tiếp cận Afghanistan, Liên hợp quốc đã tuyên bố kháng nghị 4,5 tỷ đô la (3,3 tỷ bảng Anh) thì các lệnh trừng phạt đột ngột đã gây ra sự sụp đổ kinh tế không thể tránh khỏi ở quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sợ hãi, đói khát và lạnh giá: Nỗi trăn trở của lao động trẻ em ở Kabul

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO