Sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, bình ổn giá thịt lợn

M.Loan 22/10/2021 20:34

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Chiều 22/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.

Vì sao giá thịt lợn hơi giảm?

Theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh (tháng 3, 4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9/2021 giá còn 42.000-50.000 đồng; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg, 2-3 ngày vừa qua giá có tăng 2-3.000 đồng/kg).

Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Giá sản phẩm chăn nuôi nói chung và giá lợn hơi nói riêng vẫn đang ở mức thấp, người chăn nuôi vẫn thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung trong những tháng tới, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán tới đây nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp, hữu hiệu.

Nói rõ thêm về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do dịch Covid-19 nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động;... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50%.

Trong khi đó, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường. Từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm.

“Riêng Thành phố Hồ Chí Minh một ngày tiêu thụ 60 tấn thực phẩm nhưng tự sản xuất được dưới 10%, tất cả nhập từ các tỉnh miền Tây. Nên các sản phẩm chăn nuôi ùn ứ, giá thành giảm”, Thứ trưởng Tiến lấy ví dụ.

Nhắc lại việc thời điểm này năm ngoái câu chuyện được bàn tới là giá lợn cao trong khi năm nay lại là câu chuyện giá lợn thấp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đến yếu tố cung cầu thị trường. Thị trường mặt hàng thịt lợn trong 9 tháng đầu năm 2021 có sự khác biệt hoàn toàn so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào và chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19.

Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh (trong đó nguyên nhân là hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cầm chừng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam).

Trong khi đó, nguồn cung dồi dào (không riêng mặt hàng thịt lợn mà còn có các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy hải sản) khi các cơ sở chăn nuôi tăng đàn hoặc bị tồn đọng do thời gian trước chưa tiêu thụ hết dẫn đến quá lứa.

Thứ trưởng Hải nói rõ thêm, trong cơ cấu giá thịt lợn, trung bình 100 kg lợn hơi thu được khoảng 55-60 kg thịt lợn thành phẩm. Như vậy, tỷ trọng giá lợn hơi chỉ chiếm 55-60% trong giá lợn thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng (chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải...), do đó giá thịt lợn thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá lợn hơi.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp

Khôi phục hoạt động các chợ, mở các cửa hàng bình ổn giá

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, “cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được”, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Các bộ, ngành, địa phương, các trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế. Bộ Công thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn; tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, bình ổn giá thịt lợn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO