Sống cùng F0

ĐOÀN XÁ 22/08/2021 07:19

Lo lắng, bất an hay sợ hãi rồi cảm thông, giúp đỡ, thấu hiểu... là những cảm giác mà hàng ngàn người dân ở TP HCM đang trải qua khi sống gần những gia đình có F0 được điều trị, cách ly tại nhà. Với hơn 40.000 người là F0 đang được cách ly, điều trị trong cộng đồng, cuộc sống dân sinh nhiều khu vực ở TP HCM đã ít nhiều thay đổi.     

Ảnh: CTV.

Thận trọng nhưng không xa lánh

Chị Nguyễn Thu Hồng (35 tuổi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết, con hẻm nhà chị có 7 người là F0, sinh sống ở 3 hộ gia đình khác nhau.

“Hồi cuối tháng 7 hẻm mình nhận tin có người nhiễm Covid-19 khi đi bệnh viện chữa mắt. Sau đó y tế xã xuống xét nghiệm thì phát hiện thêm 6 trường hợp nữa trong hẻm. Sau khi phát hiện có nhiều F0, toàn bộ cư dân trong hẻm rất lo lắng vì xã thông báo sẽ cho F0 cách ly tại nhà bởi các bệnh viện dã chiến quá tải. Mấy ngày đầu, gần như không gia đình nào dám mở cửa vì sợ virus bay qua đường không khí vào nhà.

Trên group chung của cư dân trong nhóm, một số gia đình đã buông lời trách móc những người F0 là “mang bệnh về cho hàng xóm” bởi sợ có thể lây lan sang các gia đình khác. Nỗi sợ hãi bị lây nhiễm Covid-19 đã khiến những ngày ấy rất ngột ngạt”, chị Hồng kể.

Thế nhưng sự ngột ngạt ấy không kéo dài lâu, bởi thực tế cả 7 trường hợp F0 này, trong đó có 3 trẻ em đang học THCS đều vô tình, và cũng không biết bị lây Covid-19 từ ai. Mấy ngày sau, khi sự bất an ban đầu qua đi, cư dân trong hẻm bắt đầu nhắn tin hỏi thăm, động viên những gia đình có F0.

“Nghe bên y tế bảo mấy F0 ở đây chỉ nồng độ 30 nên được cho ở nhà hết. Mọi người chỉ cần ăn uống điều độ, đặc biệt là trái cây và Vitamin C chứ không nguy hiểm gì. Mấy gia đình họ cũng ý thức lắm, đóng cửa kín suốt ngày. Xong hơn tuần sau trên xã xuống test lại thì không ai bị nhiễm nữa. Mà còn mừng là có 3 F0 được âm tính, ai cũng như trút được gánh nặng.

Tối đó trong hẻm mỗi nhà góp 200 ngàn giúp đỡ các gia đình F0 mua thuốc để động viên mọi người cùng vượt qua lúc dịch bệnh ngặt nghèo này”, chị Hồng kể thêm.

TP HCM có hơn 40.000 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), tính tới ngày 20/8, TP HCM có 40.451 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Trong số này, có 19.243 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.015 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.064 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.162 người. (X.Anh)

Hiện nay, chính quyền TP HCM đã có nhiều kế hoạch triển khai với những gia đình có F0 điều trị tại nhà. Ngoài việc theo dõi thường xuyên qua phần mềm quản lý, F0 cũng được hỗ trợ các túi thuốc an sinh, gồm nhiều loại thuốc từ đông tây y khác nhau để có thể sử dụng.

Ngoài ra, hầu hết các F0 đang điều trị tại nhà đều được hỗ trợ thực phẩm gồm rau củ quả, gạo dầu ăn... tùy theo từng địa bàn, khu vực. Thế nhưng điều đó không làm giảm vai trò của những người hàng xóm gần bên cạnh. Bởi thực tế, nhu cầu của F0 hay những thành viên trong gia đình (là F1) cần nhiều hơn thế.

Anh Nguyễn Văn Phước (44 tuổi, ngụ tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cho biết cách đây gần 3 tuần, khu phố anh phát hiện 2 người là F0, đều là người bán hàng ngoài chợ Sơn Kỳ gần nhà.

Sau mấy ngày đó thì phát hiện thêm 8 người nữa, có tiếp xúc với 2 người trước.

“Ban đầu cũng lo lắm, vì có một F0 là nhà đối diện với mình, nhưng sau nghĩ lại thấy cần bình tĩnh. Gia đình F0 đối diện là hai bác đã lớn tuổi sống với nhau. Bình thường gia đình con gái ở bên Gò Mây gần đây cũng hay qua thăm hỏi nhưng giờ nghe nói bên đó cũng bị phong tỏa rồi. Khi biết bác trai bị nhiễm Covid-19, bác gái có gọi điện qua nhờ mình mua thuốc hạ sốt, mua cam, chanh, gừng sả với đồ ăn. Các bác lớn tuổi, sử dụng điện thoại thông minh không rành nên chẳng biết đặt đồ gì trên mạng cả.

Chừng hơn tuần sau, bác F0 trở nặng thiếu oxy, mình cũng lên mạng tìm mua cho, rồi đặt trước cửa gọi bác ra lấy. Xong giờ nghe nói bác F0 ấy đã thở lại bình thường rồi, chiều hôm trước mình còn thấy bác ấy ra ban công cho chim ăn nữa”, anh Phước kể.

Ngoài ra, anh Phước còn chia sẻ, anh làm nghề lái xe du lịch nhưng mấy tháng nay nghỉ ở nhà vì không có tua.

“Mình thấy trên mạng người ta chở đồ ăn, thực phẩm, sữa mì tặng miễn phí các khu phố, khu vực có F0. Rồi người ta còn chở cả F0. Trong khi đó mấy gia đình F0 kia là hàng xóm, sống bao năm ở đây rồi. Coi như gia đình họ bị hoạn nạn đi, giúp đỡ một chút có sao đâu, ai lòng nào lại xa lánh, sợ hãi. Biết là Covid-19 nó dễ lây lan, nhưng mình cẩn trọng là được chứ có gì đâu mà phải sợ hãi”, anh Phước bày tỏ.

Sẻ chia để qua hoạn nạn

Với những quy định mới hiện nay, hàng chục ngàn trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không ho sốt thì đều được cho cách ly tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế. Thực tế với nhiều F0, ở nhà điều kiện chăm sóc sẽ tốt hơn khi người thân bên cạnh.

Hiện những gia đình có người là F0 đều được dán những tấm biển màu đỏ, chữ vàng ghi rõ “Đây là nơi cách ly, điều trị Covid-19” để cảnh báo người dân cũng như người đi đường.

Nếu các trường hợp F0 bất ngờ trở nặng hoặc có diễn biến xấu thì đội ngũ y tế địa phương sẽ tùy từng trường hợp để can thiệp. Nếu như những người F0 mà ở nhà riêng, công tác cách ly chăm sóc ít nhiều sẽ thuận lợi hơn.

Còn với các trường hợp F0 đang sinh sống tại các căn hộ chung cư, nơi mật độ dân cư đông đúc thì tùy từng trường hợp sẽ được lực lượng y tế cho cách ly tại nhà hay cách ly tập trung.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung cũng là các F0 không triệu chứng sẽ được cách ly tại căn hộ của gia đình, với F0 có triệu chứng nhẹ sẽ ưu tiên cách ly tập trung tại khu vực công cộng gần chung cư (như trường học) để thuận tiện cho người thân đi lại chăm sóc, cung cấp đồ ăn, thuốc uống.

Thế nhưng không phải tất cả các F0 hay gia đình họ đều nhận được ánh mắt, sự cảm thông của cộng đồng, nhất là những người hàng xóm bên cạnh. Chị Nguyễn Hoài Thu (27 tuổi, ngụ ở phường Tân Thới Nhất, quận 12), một người từng nhiễm Covid-19 kể, chị nhận kết quả dương tính sau khi xét nghiệm ở công ty. Trước đó trong công ty có 2 người bị.

“Mình được đưa đi cách ly ngoài trường tiểu học nhưng chỉ đúng 10 ngày sau là được về vì xét nghiệm 2 lần tiếp theo đều âm tính. Nhưng lúc về phòng trọ, ai cũng xa lánh, xì xào bán tán. Họ xịt cồn, xịt cả hóa chất mỗi khi đi qua phòng mình. Cậu con trai còn nhỏ không hiểu chuyện gì, kêu mùi khó chịu quá. Dù mình thực hiện đúng chỉ dẫn của y tế, 2 tuần đầu chỉ ở phòng không bước ra ngoài bao giờ. Cũng may sau đó có mấy người khác trong khu trọ lên tiếng, người ta mới đỡ thái độ”, chị Thu kể thêm.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM), không phải tất cả những người sinh sống gần F0 đều có nguy cơ nhiễm Covid-19. Thực tế ghi nhận nếu trong gia đình có người là F0 nhưng các thành viên còn lại giữ đúng chế độ sinh hoạt, tiếp xúc thì họ cũng không bị lây.

Theo đó, hàng ngày cần vệ sinh cơ thể, đặc biệt là mũi và họng bằng nước muối loãng. Khi tiếp xúc, như đưa đồ ăn, thuốc, nước uống... thì cần tuyệt đối đeo khẩu trang cả F0 lẫn người thân và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

Đặc biệt phải cách ly F0 tại phòng riêng, nếu là phòng trên cao thì càng tốt, mở cửa sổ thông thoáng, hạn chế tối đa việc sử dụng máy lạnh. Ngoài ra, các đồ vật trong gia đình có tiếp xúc với F0 cũng liên tục được phun khử khuẩn bằng cồn nồng độ cao.

Có thể nói, cuộc sống của người dân TP HCM những ngày này thật khó khăn khi tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài. Đặc biệt với khu vực dân cư có các trường hợp F0 đang được điều trị, cách ly tại nhà ít nhiều cũng mang tới sự lo lắng cho cộng đồng.

Tuy nhiên, chỉ cần những người xung quanh thận trọng, thực hiện nghiêm các quy định 5K cũng như cảm thông, chia sẻ thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng qua đi. Và nguy cơ lây nhiễm cũng gần như không có nếu mọi người biết trước, đề phòng cho bản thân và gia đình.

TP HCM sẽ cấp nhu yếu phẩm tận nhà để người dân không phải ra ngoài đi chợ trong 2 tuần tới.

Vì sao số ca F0 trong cộng đồng tại TP HCM tăng cao?

Lý giải về số lượng F0 trong cộng đồng tại TP HCM tăng vọt trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP HCM của Bộ Y tế cho biết, sau khi thành phố thay đổi chiến lược xét nghiệm, số lượng F0 sẽ tăng lên. Vấn đề này phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 tại TP HCM.

“Khi thực hiện chiến lược xét nghiệm tổng lực trên các mặt trận, chắc chắn số lượng F0 sẽ tăng lên. Đặc biệt là F0 tại cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, chiến lược này nằm trong Kế hoạch 2716 của UBND TP HCM về việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP HCM từ ngày 15/8 đến 15/9. Thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tổng lực và tập trung tại tất cả khu vực, từ vùng có nguy cơ rất cao đến vùng xanh. “Mặt khác, thành phố thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bóc tách, tìm kiếm bằng được tất cả F0. Do đó, khi thực hiện chiến lược xét nghiệm tổng lực này, chắc chắn số lượng F0 sẽ tăng lên. Đặc biệt là F0 được phát hiện trong cộng đồng tại TP HCM sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Sơn nhận định.

B.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống cùng F0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO