Sông hồ Hà Nội đang bị 'bức tử' như thế nào

MINH QUÂN 21/10/2021 16:32

Hệ thống sông hồ ở TP Hà Nội đang dần “chết” theo quá trình đô thị hóa. Bằng chứng là, hệ thống sông hồ ở Thủ đô ngày một ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn quận Nam Từ Liêm bốc mùi hôi thối. Ảnh: Hà An.

Hệ thống sông hồ ở TP Hà Nội đang dần “chết” theo quá trình đô thị hóa. Bằng chứng là, hệ thống sông hồ ở Thủ đô ngày một ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nguyên nhân được chỉ rõ, trong số những nguồn nước thải trực tiếp xả ra môi trường, chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, từ những khu đô thị (KĐT), khu chung cư (KCC), khu tái định cư (KTĐC) và một phần từ nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, hoạt động kinh doanh, dịch vụ…

Vượt tiêu chuẩn cho phép cả trăm lần

Theo đánh giá từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chất lượng nước ở khu vực thượng nguồn của các sông chảy qua khu vực nội thành như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ đảm bảo quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng nước mặt.

Tuy nhiên, chất lượng nước sông giảm về phía cuối sông, các thông số có hàm lượng vượt quy chuẩn cho phép gồm: BOD từ 30 mg/l - 75 mg/l (vượt 2 - 5 lần), COD đo được từ 60 mg/l - 180 mg/l (vượt 2 - 6 lần), Phosphat đo được 1,2 mg/l - 1,5 mg/l (vượt 4 - 5 lần), Sắt đo được 2,25 mg/l - 3 mg/l (vượt 1,5 - 2 lần), Amoni đo được 9 mg/l - 20 mg/l (vượt 18 - 40 lần), Coliform đo được 1,5x104 MPN/100ml - 7,5x105 MPN/100ml (vượt 2 - 100 lần).

Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên môi trường của tỉnh Hà Nam), nước sông Nhuệ chảy vào địa bàn tỉnh này đang bị ô nhiễm trên mức báo động cấp 3. Kết quả phân tích mẫu nước của trung tâm này cho thấy, nồng độ Amoni đo được đã vượt 151 lần tiêu chuẩn cho phép, COD vượt 4 lần. Trong khi đó, nồng độ ôxy hòa tan chỉ đạt 1,18mg/l, nhỏ hơn 5,1 lần giới hạn cho phép.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nước các con sông chảy qua địa bàn ô nhiễm trầm trọng như hiện nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khẳng định là do các nguồn nước thải trực tiếp ra sông hồ chưa được xử lý triệt để. Từ đây dẫn tới thực trạng là hàm lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải đã vượt quá khả năng tự làm sạch của các dòng sông.

Trong số những nguồn nước thải trực tiếp xả ra môi trường, chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, từ những KĐT, KCC, một phần từ nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, hoạt động kinh doanh, dịch vụ…

Vẫn theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng nước các con sông chảy qua địa bàn Thủ đô Hà Nội ô nhiễm như hiện này đã khiến chất lượng môi trường sống bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông. Ngoài ra, thực trạng nước sông ô nhiễm cũng làm ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không trạm xử lý nước thải tại chỗ, đấu nối xả thẳng sông hồ

Qua nhiều ngày khảo sát, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra một thực tế, đó là không ít những KCC, KĐT, mới có, cũ có, không hề có trạm, có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ. Và theo đó, hàng nghìn khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn ngày đêm xả thẳng ra kênh mương, trước khi đấu nối thẳng tới sông hồ.

Và càng đáng ngạc nhiên hơn, có cả KĐT kiểu mẫu dù được thiết kế lắp đặt trạm xử lý nước thải cả chục tỉ đồng nhưng cũng không đưa vào hoạt động… để nhằm tiết kiệm chi phí.

Có thể kể tới lượng nước thải của toàn bộ 18 tòa nhà cao tầng thuộc KTĐC Nam Trung Yên cũng được xả thẳng ra hệ thống mương chung của hai phường Yên Hòa và Trung Hòa (quận Cầu Giấy), trước khi dẫn thẳng tới sông Tô Lịch.

Miệng cống xả đấu nối dẫn nước thải ra sông Nhuệ. Ảnh: Nam Anh.

Qua tìm hiểu, trước tiên, nước thải của hàng nghìn hộ dân trong 18 tòa nhà này được dẫn tới hệ thống cống ngầm chạy bao quanh KTĐC. Kế đến, lượng nước thải này tiếp tục được dẫn bằng rất nhiều những chiếc ống nhựa loại phi lớn xả thẳng ra hệ thống mương chung.

Theo nhiều người dân sinh sống trong khu vực cho biết, do lượng nước sinh hoạt thải ra rất lớn, nên quanh năm, chẳng bao giờ thấy hệ thống mương dẫn nước chung có dấu hiệu bị cạn.

Trong khi đó, từng được coi là KĐT kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng Linh Đàm cũng không hề có trạm xử lý nước thải tại chỗ. Và hơn chục năm qua, hàng triệu khối nước thải vẫn vô tư được xả thẳng ra sông Tô Lịch, ra hồ Linh Đàm. Cho tới nay thực trạng đáng buồn kể trên vẫn chưa hề được cải thiện và khắc phục.

Theo khảo sát, dọc khúc sông Tô Lịch, đoạn chảy qua KĐT Linh Đàm hay ven hồ Linh Đàm xuất hiện không biết cơ man nào là những miệng cống bê tông dẫn nước thải bốc mùi được đấu nối dẫn thẳng tới KĐT kiểu mẫu này.

Hay KĐT Văn Quán, được thi công từ năm 2004, đưa vào sử dụng năm 2007. Tuy nhiên tới nay dù đã có tới hơn 1 vạn người về đây sinh sống, nhưng KĐT Văn Quán lại không hề cho xây dựng nhà máy hay trạm xử lý nước thải. Hiện toàn bộ khối lượng nước thải sinh hoạt của hơn 1 vạn người dân sinh sống ở KĐT này đều được xả thẳng ra hồ Văn Quán.

Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Hà Nội, KĐT mới Việt Hưng (Q.Long Biên) với tổng diện tích lên tới 300 ha, do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam làm chủ đầu tư, vừa đi vào khai thác được ít năm nhưng cũng lại không hề có trạm xử lý nước thải. Do vậy, mỗi ngày, hàng nghìn khối nước thải sinh hoạt vẫn đều đặn theo đường ống cống dẫn tới hệ thống kênh mương của P.Giang Biên, trước khi xả thẳng ra sông Đuống.

Tăng cường quản lý và xử phạt

Trước những lỗi hành vi kể trên, chủ đầu tư là Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam, từng bị Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) tiến hành lập biên bản xử phạt 120 triệu đồng.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường còn tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng loạt các KĐT, KCC với lỗi, hành vi không xây dựng trạm xử lý nước thải và trực tiếp xả thải ra môi trường.

Như xử phạt 50 triệu đồng đối với chủ đầu tư KĐT mới Mỹ Đình - Mễ Trì là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà đô thị và khu công nghiệp Sông Đà. Xử phạt 20 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Vimeco. Lập biên bản xử phạt Công ty TNHH An Điền (19 Láng Hạ, quận Ba Đình) 20 triệu đồng do xả thải nước sinh hoạt có chỉ số ô nhiễm vượt quá 5 lần cho phép ra môi trường…

Theo một phó Chủ tịch thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam: việc nước thải sinh hoạt bị xả thẳng ra môi trường như hiện nay sẽ gây ra những hậu quả khôn lường về sau. Và theo đúng quy định, các chung cư cao tầng, khu đô thị mới đều phải có hệ thống thu và xử lý nước thải, khi nước thải đạt tiêu chuẩn thì mới được đưa ra môi trường bên ngoài.

Chưa hết, khi đấu nối hệ thống thoát nước của chung cư vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra xem hệ thống xử lý nước thải đã đạt yêu cầu hay chưa thì mới cho phép đấu nối.

Việc phát triển một loạt các KĐT, KCC như thời gian vừa qua vẫn theo kiểu tự phát và thiếu quy hoạch. Thực trạng này sẽ gây khó khăn trong việc thu gom nước thải sinh hoạt về một mối để xử lý đạt chuẩn trước khi đổ ra sông hồ.

Vẫn theo vị phó Chủ tịch thuộc Tổng hội xây dựng Việt Nam này: Kinh phí đầu tư cho một trạm xử lý nước thải tốn kém gấp 3 lần xây dựng một hệ thống cung cấp nước sạch có cùng công suất.

Trong khi đó các chủ đầu tư mới chỉ chú trọng phát triển nhà để bán, nên gần như họ sẽ chẳng bao giờ quan tâm tới việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại chỗ và chấp nhận việc xả thải vào hệ thống hạ tầng khung có sẵn của thành phố để tránh tốn kém. Do vậy các cơ quan hữu trách cần tăng cường và kiên quyết trong việc xử lý nước các đơn vị xả thải và cấp giấy phép xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông hồ Hà Nội đang bị 'bức tử' như thế nào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO