Sống khổ bên đê tả sông Càn

Đình Minh 14/08/2021 07:57

Hơn 20 năm qua, tuyến đê tả sông Càn, đoạn đi qua xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) không được đầu tư kiên cố hóa. Điều này khiến cho 843 hộ dân của 3 thôn 3, 4, 5 luôn phải sống trong tình cảnh bụi bay mù mịt vào mùa khô và nỗi lo ngập lụt vào mùa lũ.

Hít bụi mùa khô, lo lụt mùa lũ

Năm 2009, từ nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, Dự án đầu tư xây dựng công trình đê, kè tả sông Càn đoạn từ núi Thung Vàng đến điểm nối với đê, kè đã có thuộc xã Nga Điền (huyện Nga Sơn) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2763/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư là 67,98 tỷ đồng. Được biết, công trình có chiều dài 9,12 km (thuộc loại đê Trung ương cấp IV), được đầu tư hệ thống mặt đê, chân đê, mái đê đi qua các thôn 1,2,3,4,5,7,8 với cao trình thiết kế đầu đoạn và cuối đoạn là 4,5m, bề rộng mặt đê là 6m.

Khi hoàn thành, công trình này được kỳ vọng sẽ đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho gần 2.000 hộ dân trong xã Nga Điền. Tuy vậy, sau khi triển khai xây dựng được 5,5 km đoạn đê qua các thôn 1,2,7,8, vào năm 2011, dự án phải dừng lại do Nghị quyết cắt giảm đầu tư công năm 2011 của Chính phủ. Vì thế, 3,62 km đê còn lại qua các thôn 3, 4, 5 đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trước đó, 3,62 km đoạn đê này được rải đá dăm vào khoảng những năm 2000. Đến nay, nó không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ 843 hộ dân mà còn là con đường huyết mạch nối từ địa phương ra Quốc lộ 10 để đi các xã lân cận và trung tâm thị trấn Nga Sơn. Bởi vậy, dù cho đoạn đê đã xuống cấp trầm trọng, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt học sinh và người dân di chuyển qua đây để tới trường và đi làm.

“Năm 2010, khi thấy dự án được triển khai, chúng tôi đã rất mừng vì nghĩ là sắp có một tuyến đê kiên cố để di chuyển thuận tiện và bảo vệ bà con trong mùa lũ. Tuy vậy, dự án lại dừng đột ngột khiến chúng tôi rất thất vọng. Giờ đây, đoạn đường đá dăm cứ có xe chạy qua là bụi lại bay mù mịt vào nhà. Không hiểu sao chứ tôi thấy sống trên mặt đê mà ăn bụi còn nhiều hơn ngoài đường quốc lộ” - ông Nguyễn Văn Tung (62 tuổi, người dân thôn) chia sẻ.

Tiếp lời ông Tung, ông Phan Thành Trung (55 tuổi, người dân thôn 4) cho biết: “Hiện tại, bãi bồi ven sông đã bị sạt lở đi nhiều do không có hệ thống kè. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nền bê tông hóa mặt đê để đảm bảo an toàn khi lũ về và thuận tiện đi lại nhưng chính quyền cũng chia sẻ, rằng hiện tỉnh chưa có vốn để làm”.

Đứt đoạn 400 m thân đê vì vướng 12 hộ dân

Tại đoạn đê dài 5,5 km qua các thôn 1, 2, 7, 8 đã hoàn thành, có 400 m mặt đê bị đứt đoạn do có 12 hộ dân chưa thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Đinh Văn Thái (63 tuổi, trú tại thôn 7, là 1 trong 12 hộ dân nằm trong diện GPMB) cho biết, khu vực tuyến đê đi qua qua thôn 7 có mức giá đền bù đất là 450.000 đ/m2. Tuy nhiên, khi cán bộ về đo đạc thì chỉ đưa ra mức giá là 150.000 đ/m2 nên chúng tôi không đồng ý. “Nguyện vọng của 12 hộ dân ở đây là huyện đưa ra văn bản cụ thể về mức niêm yết giá đất cũng như công khai bản đồ quy hoạch tuyến đê đi qua để chúng tôi nắm rõ. Nếu có đủ 2 điều trên thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện GPMB” - ông Thái nói.

Ngoài tình trạng đê bị đứt đoạn, dọc theo chiều dài 5,5 km mặt đê còn xuất hiện tình trạng mặt đê bị sụt lún và nứt toác. Tại thôn 7, có tới 5 đoạn thân đê bị nứt dài, đặc biệt xuất hiện các vết nứt rộng từ 5-10 cm, sâu từ 10-20 cm tạo thành rãnh rộng kéo dài hàng chục mét. Ngoài mặt đê, phần thân và dưới chân đê cũng có dấu hiệu của sự sụt lún. Điều đó khiến mặt đê bị tách thành 2 khối cao thấp khác nhau, gây nguy hiểm rất lớn cho các phương tiện qua lại.

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết: Việc người dân trong xã phản ánh tình trạng đê nứt toác và xuống cấp là chính xác. “Theo tôi, tình trạng đê xuống cấp là do yếu tố khách quan. Đối với việc đoạn đê dài hơn 3,6 km qua các thôn 3, 4, 5 chưa được triển khai là do nguồn vốn bên trên chưa có, người dân ở các thôn này cũng đề xuất tự bỏ tiền ra đổ bê tông nhưng tuyến đê do tỉnh quản lý nên chúng tôi không thể cho phép được. Còn đối với các hộ dân chưa thực hiện GPMB, hiện cũng rất khó nói khi dự án đã ngưng triển khai từ rất lâu rồi” - ông Tân thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống khổ bên đê tả sông Càn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO