Sông Lô bị băm nát: Đẩy thiệt hại cho ai?

Đức Sơn 04/04/2017 08:15

Tình trạng khai thác cát sỏi rầm rộ trên sông Lô tại địa bàn xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ làm sạt lở đất nông nghiệp mà còn làm sạt lở hệ thống đê kè, đe dọa sự an nguy của hệ thống đê điều. Tuy nhiên ngành chức năng vẫn không có biện pháp xử lý tình trạng trên. Các doanh nghiệp thì vẫn khai thác cát rầm rộ, gây sạt lở bờ sông, tạo nên nghịch cảnh “người xây - kẻ phá” khiến dư luận bất bình.

Hệ thống kè chống sạt lở sông Lô tại xã Đôn Nhân bị sạt lở nghiêm trọng.

“Người xây- kẻ phá”…?

Tại địa bàn xã Đôn Nhân có 6 đơn vị được cấp phép liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, ở xã Đôn Nhân, đất canh tác của dân bị sạt lở nghiêm trọng, gây sạt lở kè, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, kè.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, UBND huyện Sông Lô đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các sở, ngành có liên quan lập dự án Kè tại xã Đôn Nhân.

Ngày 6/10/2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư Kè chống sạt lở bờ tả sông Lô đoạn từ km9+100 đến km9+300 và đoạn từ km9+500 đến km9+950 xã Đôn Nhân và giao Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 19 tỷ 980 triệu đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016.

Theo đó, thời gian dự kiến khởi công trong năm 2016 và hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, khi dự án chưa được khởi công thì đã gặp muôn vàn khó khăn do hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ ở lòng sông.

Ngày 13/1/2017, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã có công văn số 51/SNN&PTNT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị điều chỉnh dự án kè chống sạt lở bờ Tả Sông Lô.

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao làm Chủ đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Lô đoạn từ km9+100 đến km9+300 và đoạn từ km9+500 đến km9+950 xã Đôn Nhân, Sở đã triển khai hoàn thiện các thủ tục xây dựng cơ bản và lựa chọn đơn vị thi công.

Tuy nhiên, sau khi giao cho đơn vị thi công, hiện trạng công trình đoạn từ km9+500 đến km9+950 có thay đổi so với bản thiết kế đã được phê duyệt. “Qua kiểm tra hiện trường ngày 9/1/2017, tuyến bờ sông dự kiến xây dựng kè (đoạn từ km9+500 đến km9+950) bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều vị trí sạt lở sâu vào tim tuyến kè dự kiến, trung bình từ 10m đến 25 m”, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc nêu rõ.

Theo đó, nguyên nhân gây sạt lở được xác định là do hoạt động khai thác cát gia tăng. Từ thực tế nêu trên, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thiết kế điều chỉnh thay đổi tuyến cho phù hợp hiện trạng.

Tiếp đó, đến ngày 2/3/2017, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện kè chống sạt lở bờ tả sông Lô.

Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định: “Thời gian qua, hoạt động khai thác cát vẫn tiếp tục gia tăng, diễn ra liên tục gần bờ, làm tăng tốc độ sạt lở bờ sông, dẫn tới địa hình liên tục thay đổi, làm sai lệch với kết quả khảo sát, dẫn tới việc điều chỉnh thiết kế thi công gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai được các hạng mục công trình tại đoạn kè nói trên”.

Từ thực trạng trên, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thi công ngay phần đá đổ hộ chân theo hiện trạng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở.

Trong quá trình thi công phần hộ chân đê, tiến hành khảo sát và điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Ngày 16/3/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận đề nghị của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc. Sau đó, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã cho đơn vị thi công tiến hành cải tạo, đổ đá hộ chân để ngăn chặn tình trạng sạt lở.

Lạ lùng hơn, trong khi Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc bỏ tiền tỷ để cải tạo, xây dựng hệ thống kè để bảo vệ đê, bảo vệ mùa màng, thì dưới lòng sông Lô, hàng chục tàu khai thác cát của Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Đông Dương AVA vẫn hoạt động rầm rộ “moi ruột” lòng sông.

Ngân sách nhà nước phải hứng chịu?

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, kè Đôn Nhân có chiều dài 710 m, hiện tại khu vực này đang bị sạt lở phần đá hộ chân, cơ, mái kè và bờ sông phía hạ lưu đuôi kè đã xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Sinh- Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Vĩnh Phúc khẳng định, nếu đê Sông Lô bị vỡ thì cả hai huyện Sông Lô và Lập Thạch sẽ bị ngập hoàn toàn.

Lạ lùng hơn, mặc dù xác định một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở đất nông nghiệp, sạt lở bờ sông Lô là do hoạt động khai thác khoáng sản. Nhưng thay vì chấn chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát dừng khai thác và bồi thường thiệt hại thì UBND huyện Sông Lô lại kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện Sông Lô được lập hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với phần diện tích đất nông nghiệp đã bị sạt lở của người dân vào dự án kè chống sạt lở tại xã Đôn Nhân.

“Hiện tại, vị trí đất nông nghiệp nằm tiếp giáp với dự án kè tại xã Đôn Nhân tiếp tục bị sạt lở, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê, kè và đất canh tác của người dân.

Do vậy, nhà thầu không thể thi công dự án theo bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, các cơ quan chức có liên quan cho lập điều chỉnh thành dự án chống sạt lở khẩn cấp, để kịp thời xử lý những sự cố nêu trên”, ông Dương Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Kiều Văn Hùng- Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của UBND huyện Sông Lô đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án kè và tiếp tục lập dự án điều chỉnh, bổ sung trong đó có phần kinh phí bồi thường cho các hộ dân bị sạt lở đất.

Còn ông Nguyễn Đức Sinh- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Vĩnh Phúc khẳng định, việc sạt lở đất nông nghiệp tại xã Đôn Nhân do nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau trong đó có nguyên nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Hiện nay, chủ đầu tư dự án kè đã triển khai nhưng do sạt lở nên rất khó khăn trong việc thi công. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép đưa dự án này vào danh mục dự án cần xử lý khẩn cấp, vừa điều chỉnh thiết kế vừa thi công.

Ông Kim Văn Tiến- Trưởng công an huyện Sông Lô cho biết, việc sạt lở đất nông nghiệp tại xã Đôn Nhân do nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở.

Đồng thời kịp thời giải quyết những bức xúc của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, đề nghị bồi thường phần đất bị sạt lở lấy từ nguồn tiền bồi thường dự án kè.

Ngành chức năng xác định nguyên nhân gây ra sạt lở đất nông nghiệp và sạt lở bờ sông Lô tại xã Đôn Nhân là do hoạt động khai thác cát gia tăng. Thế nhưng lại không yêu cầu các đơn vị khai thác khác dừng hoạt động, bồi thường thiệt hại, mà lại đề nghị lấy kinh phí từ nguồn tiền ngân sách nhà nước để bồi thường cho dân và xây dựng kè. Như vậy khác gì đẩy thiệt hại về phía ngân sách nhà nước!?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông Lô bị băm nát: Đẩy thiệt hại cho ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO