Sốt đất đấu giá từ thành thị đến nông thôn – Bài cuối: Chuyên gia cảnh báo rủi ro

Bình Minh 12/11/2021 14:39

Theo các chuyên gia, việc rầm rộ tổ chức các phiên đấu giá đất, trong đó nhiều phiên nhà đầu tư trúng giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm và giá giao dịch trên thị trường sẽ đầy rủi ro.

Tình trạng thiếu nguồn cung đất nền

Theo ông Trần Xuân Lượng, Tiến sỹ chuyên ngành BĐS - Đại học Kinh Tế Quốc dân cho rằng: Hiện nay Hà Nội và một số địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền là do các luật chồng chéo nhau và đặc biệt là Luật Đất đai đang có những điểm không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay nữa. Ngoài ra, việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng; đây là nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn cung đất nền thời gian qua.

“Các luật chồng chéo, và thời gian cấp phép rất dài, chủ đầu tư phải trình qua nhiều cơ quan chức năng... Đặc biệt là khâu GPMB phải tự thỏa thuận với dân làm cho nguồn cung giảm”, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sỹ chuyên ngành BĐS - Đại học Kinh Tế Quốc dân chia sẻ.

Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường. Bởi đối với dự án đấu giá đất thì tính pháp lý sẽ đơn giản và ít rào cản hơn do đây là đất công.

Theo ông Lượng, việc 2 năm liền dịch Covid-19, nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng, việc nhà đầu tư ồ ạt đấu giá đất trên trời cũng có thể là chiêu trò thổi giá ăn chênh. Bởi vì vậy nên có nhiều người trúng đấu giá phải bỏ cọc. Các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi được thua, có nhiều rủi ro vì phải đặt cọc số tiền không nhỏ. Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư “ôm” phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc; tình huống này xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khi đấu giá, các địa phương sẽ đưa ra mức giá khởi điểm bằng với giá mặt bằng theo quy định giá đất của địa phương. Tuy nhiên, các mức giá theo quy định thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá thị trường. Ví dụ ở Hà Nội hay TPHCM, giá khởi điểm của đất đấu giá theo quy định cao nhất chỉ khoảng hơn trăm triệu đồng trong khi thị trường đã rao bán cả tỷ đồng; như vậy, dù giá khởi điểm của đất đấu giá có cao hơn một chút so với giá quy định nhưng vẫn nằm ở mức rất thấp so với giá thị trường.

Ông Đính cho rằng thời điểm nhà đầu tư “ôm” là khi giá đất đang “sốt” nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị “bong bóng”.

Nhiều nhà đầu tư liên tục đưa ra mức giá cao trong phiên đấu giá vì cho rằng do khan hiếm hàng nên giá đất phải cao, phải "sốt". Tuy nhiên, sau khi trúng, vì giá trúng quá cao và gần như ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn giá thị trường nên rất khó thoát hàng.

Cẩn trọng thành ‘người mù đi đêm’

Thực tế cho thấy ở nhiều phiên đấu giá, các nhà đầu tư sẽ liên tục đẩy giá lên, khiến nhà đầu tư nghĩ khan hàng thì giá đất phải cao dẫn đến việc giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, vì giá trúng đấu giá đất quá cao và gần như ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn giá thị trường nên sau đó rất khó thoát hàng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) - Lê Hoàng Châu nhìn nhận, trong câu chuyện TP Hà Nội dự định đưa 3 huyện trong đó có Mê Linh lên thành phố khá tương đồng với câu chuyện của TP Thủ Đức (TP HCM) giai đoạn trước.

Ông Lê Hoàng Châu phân tích, thời điểm khoảng giữa năm 2020 thị trường BĐS tại Thủ Đức (trước khi lên thành phố) xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá lên cao khiến nhiều người ôm mộng rồi vỡ mộng.

Theo ông Châu, các địa phương trong diện quy hoạch cần công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị hút vào những cơn sốt đất cục bộ. Nếu để xảy ra tình trạng sốt đất sẽ gây tác động không tốt, vì sốt đất được xem là chướng ngại của quá trình phát triển. Bởi lẽ khi giá đất tăng, tiền đền bù cho các dự án hạ tầng cũng sẽ tăng theo, ngoài ra cũng là áp lực với người dân khi chi phí cho đời sống sẽ đắt đỏ hơn. Nếu không tính toán kỹ lưỡng và ngăn chặn từ sớm sẽ gây áp lực không nhỏ cho ngân sách thành phố.

Mỗi khi có đấu giá đất, các địa phương nườm nượp ô tô các tỉnh kéo về tham gia.

Trước làn sóng mới từ BĐS đang manh nha tại các địa phương như Mê Linh, ông Châu khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo và phải khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng.

“Muốn đón đầu phải căn cứ vào quy hoạch, còn nếu chưa nắm rõ về quy hoạch thì cũng cần phải biết định hướng tại khu vực muốn đầu tư sẽ là như thế nào. Không nắm được việc đó thì các nhà đầu tư sẽ dễ dàng trở thành người mù đi đêm” – ông Châu đưa ra lời khuyên.

Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam lại đưa ra 3 lời khuyên cho nhà đầu tư. Thứ nhất là phải xác định được thời điểm lợi nhuận quay về nhanh nhất. Tiếp theo là tính thanh khoản. "Mua rồi bán lời ít cũng được nhưng phải bán được, chuyển nhượng được", ông nói.

Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng sử dụng đòn bẩy tài chính, tránh tạo ra gánh nặng cho bản thân. Cuối cùng ông nhấn mạnh đến là tính pháp lý, quy hoạch, tức nếu chưa rõ thông tin quy hoạch có thật hay không, như thế nào thì cần cẩn trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt đất đấu giá từ thành thị đến nông thôn – Bài cuối: Chuyên gia cảnh báo rủi ro

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO