Sốt xuất huyết: Cẩn thận kẻo sốc!

Ngọc Hà 02/07/2017 07:05

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện sốt xuất huyết đang vào mùa, trong 116 ca đang nội trú có 9 bệnh nhi sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như mạch nhanh, khó bắt, tụt huyết áp...

Theo bác sĩ Tuấn, sốc sốt xuất huyết xảy ra do tình trạng thất thoát huyết tương, thường xuất hiện khi bệnh nhi bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, không chịu ăn uống, quấy khóc, bứt rứt khó chịu…

“Trong sốc sốt xuất huyết còn có tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp bằng 0, chảy máu, dễ gây suy tim, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải...”- BS Tuấn phân tích. Một số trẻ thừa cân, thì tình trạng sốc diễn tiến nguy hiểm hơn, có thể sốc nặng, kéo dài hoặc tái sốc.

BS khuyến cáo phụ huynh lưu ý bổ sung đủ chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt bằng paracetamol. “Giai đoạn đầu khi trẻ chưa bị thất thoát huyết tương thì không nên tự ý truyền dịch. Điều này có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp rất nguy hiểm”- BS Tuấn nói. Việc truyền dịch cần thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.

Theo BS Nguyễn Thu Hằng (Bệnh viện Nhi trung ương), khi bị sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng, chỉ cần hết sốt là khỏi bệnh. Thế nhưng, thực tế đó lại là thời kỳ nguy hiểm nhất. Ở thời kỳ này, cơ thể người bệnh có thể phục hồi nếu được chăm sóc tốt, song cũng có thể diễn tiến xấu với các biểu hiện như: mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, tiểu ít… gây suy đa phủ tạng, và thậm chí là tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trường hợp nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban.

Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng... Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang tăng cao, ngành y tế khuyến cáo người dân ngủ màn để phòng bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác. Đồng thời loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết: Cẩn thận kẻo sốc!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO