Sức hút phim truyền hình đề tài nông thôn

Phạm Sỹ 14/04/2022 07:11

Từng có thời gian vắng bóng, nhưng gần đây, phim truyền hình đề tài nông thôn đã có sự trở lại mạnh mẽ và đầy sức hấp dẫn với khán giả bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, mang một màu sắc riêng. Đặc biệt với cách khai thác, góc nhìn hiện đại đã tạo sự đa dạng làm nên sức hút riêng.

Cảnh trong phim “Phố trong làng”, phim truyền hình về nông thôn thời hiện đại.

Có thể nói, đề tài nông thôn luôn đón nhận tình cảm đặc biệt của khán giả. Cách đây hơn chục năm, những bộ phim để đời như Bão qua làng, Gió làng Kình, Ma làng, Bí thư Tỉnh ủy… đã để lại những dấu ấn khó phai.

Sau những bộ phim nổi tiếng thời điểm đó dường như đề tài này đã bị chững lại và tạo ra khoảng trống. Không chỉ có phim truyện điện ảnh, mảng phim truyện truyền hình, người nông dân, đời sống nông thôn cũng là đề tài bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân không phải nông thôn Việt không có nhiều vấn đề để khai thác. Mà để có phim hay thì phải có kịch bản tốt và để tìm được một kịch bản hay về đề tài nông thôn không dễ.

Gần đây, nhiều bộ phim chất lượng về đề tài này đã trở lại mạnh mẽ và được khán khả yêu mến. Đánh dấu cho sự trở lại sau thời gian vắng bóng đó là “Thương nhớ ở ai” trở lại với bối cảnh làng quê Bắc Bộ vào năm 2017, “Cô gái nhà người ta” năm 2020, và năm 2021 là “Mùa hoa tìm lại”, “Phố trong làng”.

Phim “Cô gái nhà người ta” năm 2020 thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Mới kết thúc cách đây ít ngày là bộ phim “Lối về miền hoa” của đạo diễn Vũ Minh Trí. Phim đã tập trung khai thác đời sống nông thôn trong cuộc sống hiện đại. Trong phim ta thấy được tuổi trẻ của các nhân vật đã thực sự trải qua đủ thứ gia vị ngọt ngào lẫn cay đắng; vị của sự bồng bột, của nuối tiếc; vị của tình yêu đầu tựa mật ngọt; vị của sự thất bại mà chẳng sờn lòng; vị điên cuồng mà phấn chấn… Ngoài câu chuyện lập nghiệp, chuyện tình yêu, tình cảm gia đình cũng được khai thác thú vị, khéo léo trong phim. “Lối về miền hoa” khai thác đời sống nông thôn, đi vào xây dựng bức tranh đời sống dung dị, chân thực, vốn là màu sắc phim sở trường của đạo diễn Vũ Minh Trí - người luôn tạo ra được sự duyên dáng ở những điều bình thường nhất.

Bộ phim “Phố trong làng” của đạo diễn Mai Hiền cũng được chú ý khi xoay quanh chuyện các chiến sĩ công an xã với những va chạm, khác biệt về phong tục tập quán, “đất lề quê thói” cũng như quan hệ về dòng họ… Phim đã đưa khán giả đến với xã Tân Xuân - một vùng quê yên bình ngày nào nay bỗng náo động bởi những đổi thay của thời cuộc. Kể từ khi đất đai có giá, nhiều gia đình bỗng có trong tay cả một gia tài lớn nhờ bán đất. Người làng không còn vất vả như xưa nhưng cũng chính vì thế mà nhiều gia đình bỏ bê công việc, lao vào cờ bạc, đàn đúm…

Năm 2020, khán giả cũng đã được thưởng thức với bộ phim “Cô gái nhà người ta” của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Phim đã cho người xem thấy được một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, khát vọng khởi nghiệp ở nông thôn với cách tiếp cận hóm hỉnh. Phim chạm tới những vấn đề thời sự ở nông thôn hiện nay, như ô nhiễm môi trường, giới trẻ với việc ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó là đề cao trách nhiệm của thanh niên với quê hương.

Có thể nói, nông thôn là một đề tài quen thuộc với nhiều nhà làm phim. Song những vấn đề của nông thôn hiện nay mang đặc thù khác bởi nhiều diễn viên, nhà làm phim không được trực tiếp với cuộc sống hiện thực của đời sống nông thôn hiện nay. Bên cạnh đó, kịch bản là một vấn đề quan trọng quyết định sự thành, bại của tác phẩm. Những bộ phim truyền hình “Đất và người”, “Ma làng”, “Thương nhớ ở ai”… rất thành công là do được chuyển thể từ những tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Ma làng của Trịnh Thanh Phong, Bến không chồng của Dương Hướng… Sở dĩ chất liệu của văn chương vẫn là mảnh đất màu mỡ để điện ảnh và truyền hình khai thác và tạo nên những tác phẩm hay. Hiện nay, không nhiều nhà văn thực sự đầu tư viết về mảng đề tài này. Ngoài lý do về sức hấp dẫn, thu hút bạn đọc thì chưa nhiều nhà văn dấn thân để có những tác phẩm thành công như các giai đoạn trước.

Cảnh trong phim “Bão qua làng”- bộ phim truyền hình chính luận 30 tập về đề tài nông thôn
từng để lại dấu ấn sâu sắc với người xem.

Đạo diễn Trịnh Lê Phong từng chia sẻ, làm phim về đề tài nông thôn có nhiều khó khăn. Đặc biệt là điều kiện sản xuất. Đoàn phim phải chọn bối cảnh ở nhiều nơi khác nhau để tạo thành một làng, diễn viên phải đi xa, rất mất công và tốn kém... Cùng với đó, phim về đề tài nông thôn thường không thu hút được tài trợ, quảng cáo nhiều như các phim khác. Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống nông thôn hôm nay đòi hỏi biên kịch cũng như những nhà làm phim phải thực sự “sống với làng” thì mới có thể chuyển tải câu chuyện hấp dẫn tới người xem.

Còn theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đề tài về nông thôn chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) hàng năm, tuy nhiên, số kịch bản đủ chất lượng để làm phim lại rất ít.

Với những bộ phim về đề tài nông thôn mới đang được khai thác qua phim truyền hình, thế hệ đạo diễn, biên kịch, diễn viên trẻ quan tâm tới mảng đề tài này đã tạo nên sự tiếp nối khả quan. Dù vậy so với lượng phim bối cảnh thành thị, phim nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nên đây vẫn còn là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác. Khán giả vẫn còn tâm lý thích khám phá những câu chuyện của người dân làng quê, nên đề tài này vẫn dễ dàng hút khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức hút phim truyền hình đề tài nông thôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO