Cuộc sống hiện đại với lối sống nhanh, gấp gáp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Bệnh lý về tâm thần không chỉ làm suy yếu sức khỏe mà còn gây ra tác động xấu đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
“Kẻ giết người thầm lặng”
Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Tuy nhiên, theo GS.TS Cao Tiến Đức- Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Nguyên nhân nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm.
Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh. Vì vậy, họ chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa..., dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp. Ngoài ra, số người ít đi khám đúng chuyên khoa tâm thần, tâm lý nhưng nhiều người lại đi khám các chuyên khoa khác. Như vậy, số bệnh nhân được khám đúng chuyên khoa tâm thầm tâm lý là rất ít.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người trong quá trình làm việc , lao động, học tập mắc phải chứng căng thẳng thần kinh (stress) nhưng lại không hề hay biết mình mắc bệnh và chỉ coi đó là một biểu hiện thông thường của cơ thể khi làm việc quá sức dẫn đến mệt mỏi.
Căng thẳng thần kinh (stress) được biết đến như là “kẻ giết người thầm lặng” và đang dần trở thành một vấn nạn không loại trừ bất kỳ một ai trong cuộc sống hiện đại.
Ngoài ra, các bệnh lý về tâm thần, thần kinh có thể do stress gây ra nhưng rối loạn lo âu, cũng có thể là cái cớ là yếu tố kích thích gây ra. Từ stress làm thay đổi nội tiết, thay đổi yếu tố tâm lý nó gây ra bệnh lý khác. Nghĩa là nó vừa nguyên nhân vừa là hậu quả stress.
GS Cao Tiến Đức cho hay, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần.
Nhận biết và điều trị bệnh kịp thời
Bệnh tâm thần hay các vấn đề về tâm thần rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, ám ảnh… Những dấu hiệu tâm thần đầu tiên đó nếu không được kịp thời can thiệp, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của con người.
Tuy nhiên khi biết bản thân mắc bệnh, nhiều bệnh nhân và cả người nhà không muốn chấp nhận điều đó, họ thường tự chữa trị qua các thầy lang, thầy cúng. Việc điều trị không đúng phương pháp, không đến nơi đến chốn không những không chữa được bệnh mà còn làm cho bệnh nặng thêm.
Theo ông Cao Tiến Đức, nhiều người vẫn tưởng rằng tâm thần có nghĩa là điên dại. Thực ra, đây là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độkhác nhau.
Ông Đức cho biết dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần rất đa dạng, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân, song ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần. Việc phát hiện bệnh không dễ dàng đối với người nhà và ngay cả với bác sĩ do cần phải tiếp xúc lâu với bệnh nhân cũng như thăm khám nhiều lần.
Các chuyên gia khuyến cáo hãy nghĩ đến bệnh lý tâm thần và đưa người thân đến bác sĩ ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường như rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ,…
Cùng với đó, để phòng ngừa stress mỗi người cần phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, không phải giải trí. Có thêm hiểu biết về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài.