Hành trình đỏ lần thứ VII: Kết nối dòng máu Việt

Xuân Thuỷ 29/07/2019 07:00

Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta. Hiến máu không chỉ giúp đỡ những người bệnh đang cần máu để duy trì sự sống mà còn thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội của mỗi người dân.

Hành trình đỏ lần thứ VII: Kết nối dòng máu Việt

Hiến máu cứu người.

Tiếp nhận hơn 85.000 đơn vị máu

Với chủ đề “Kết nối dòng máu Việt”, Hành trình đỏ lần thứ VII năm 2019 diễn ra từ ngày 11/6 đến ngày 31/7 tại 39 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thu hút hàng chục nghìn người hiến máu tình nguyện tại các địa phương. Trong hai ngày 26 và 27/7, BTC Hành trình đỏ 2019 đã phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Ngày hội hiến máu Giọt hồng tri ân và Hội quân Hành trình đỏ lần thứ VII năm 2019.

Hành trình đỏ là chiến dịch nhân đạo cấp Quốc gia do Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo với sự bảo trợ của các cơ quan bộ, ngành Trung ương với nhiệm vụ trọng tâm là vận động toàn dân tham gia hiến máu nhân đạo và phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) – căn bệnh đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi và chất lượng dân số của nước ta.

TS.BS Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hành trình đỏ 2019 cho biết, Hành trình đỏ ra đời trong sự cấp thiết về đảm bảo được nguồn máu cho cấp cứu và điều trị vào dịp hè khi nguy cơ khan hiếm máu cao nên ngày càng có nhiều địa phương tham gia và hưởng ứng chương trình. Trong năm qua, 50 tỉnh, thành phố đã cùng chung sức, đóng góp hơn 255.000 đơn vị máu. Điều này đã chứng tỏ sự bền vững và tính hiệu quả của một hoạt động xã hội mang tính nhân văn.

Năm 2019 là năm đầu tiên Hành trình đỏ được tổ chức trong thời gian dài nhất (50 ngày) với sự tham gia của nhiều địa phương nhất. Trong đó, Hà Nội, TPHCM, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hoá là 5 địa phương thường xuyên tham gia trong cả 7 kỳ của Hành trình Đỏ (từ năm 2013 – 2019). Năm nay, có 4 địa phương mặc dù lần đầu tiên tổ chức Hành trình đỏ nhưng đã đạt được kết quả hết sức ấn tượng. Đó là Lào Cai (1.878 đơn vị máu); Đắk Nông (1.712 đơn vị máu), Hưng Yên (1.469 đơn vị máu), Lai Châu (1.339 đơn vị máu).

Nhân rộng nghĩa cử cao đẹp

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên cả nước, chúng ta cần tối thiểu 2% dân số hiến máu, tức là khoảng gần 2 triệu đơn vị máu mỗi năm.

Trong những năm gần đây, phong trào hiến máu của nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lượng máu tiếp nhận đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị. Trong năm 2018, cả nước đã tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu, ước tính đạt 1,8% dân số hiến máu, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại là 42,5%, tỷ lệ hiến máu với thể tích 350ml đạt trên 45%, có nơi đạt trên 90%. Với những kết quả đã đạt được, chúng ta đang từng bước nâng cao chất lượng nguồn máu, an toàn truyền máu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc hiến máu không chỉ góp phần cứu sống người bệnh mà còn mang lại sức khoẻ cho chính bản thân người hiến máu. Khi đi hiến máu, người tham gia hiến máu sẽ được khám và tư vấn sức khoẻ miễn phí để đảm bảo đủ các điều kiện, được thông báo các kết quả xét nghiệm máu. Người hiến máu cũng được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban Chỉ đạo hiến máu nhân đạo. Giấy chứng nhận này có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu đã hiến (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). Giấy chứng nhận này có giá trị tại tất cả các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời với người hiến máu. Trên thế giới có người đã hiến máu hơn 400 lần, ở Việt Nam là hơn 100 lần, sức khoẻ hoàn toàn tốt.

BS Ngô Mạnh Quân – Trưởng Khoa Vận động hiến máu, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết, cứ 10 người khoẻ mạnh thì có một người có nguy cơ mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Do đó, khi người dân nâng cao nhận thức về sức khoẻ khi hiến máu sẽ giúp phát hiện xem bản thân có mang gene của bệnh tan máu bẩm sinh hay không.

Hiến máu là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, không chỉ mang lại niềm tin mà còn cả sự sống cho những người kém may mắn. Đó là món quà vô giá mà bản thân mỗi chúng ta có thể trao cho cuộc đời. Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp tại tất cả các quận, huyện, thị xã với hơn 2.000 tình nguyện viên. Nhiều mô hình hiến máu hay, độc đáo đã được triển khai và tổ chức thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình đỏ lần thứ VII: Kết nối dòng máu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO