Ngộ độc ở trẻ

Đức Trân 29/09/2019 08:00

Ngộ độc ở trẻ em dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc ở trẻ. Những nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như do người lớn thiếu kiến thức, ngộ độc không cố ý…

Ngộ độc ở trẻ

Ảnh minh họa.

Ngộ độc thực phẩm tại trường học

Tin từ Trung tâm Y tế huyện U Minh, Cà Mau cho biết có tới 155 học sinh phải đến cơ sở y tế huyện điều trị với các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu trong vòng 2 ngày từ 23-25/9. Theo đó, Trường Tiểu học Thái Văn Lung có 20 học sinh; Trường THCS Nguyễn Thái Bình có 1 em; Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái có 60 em và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên có 74 em. Hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm xác định virus gây bệnh, đồng thời, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo ngành Y tế và đơn vị liên quan phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các điểm trường có học sinh bị bệnh để phòng ngừa mầm bệnh lây lan và chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chuyên môn. Sau khi được đưa vào cơ sở y tế, sức khỏe các em đã ổn định.

Mới đây nhất, ngày 27/9, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết, tại trường tiểu học Cẩm Thượng đã xảy ra vụ việc hy hữu, khi 51 học sinh học đang học tại trường này có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, được đưa vào điều trị tại BV Đa khoa tỉnh. Việc học sinh nhập viện điều trị đang được công an TP Hải Dương phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế TP Hải Dương điều tra làm rõ.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, thế nhưng hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra trong môi trường giáo dục khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng. Làm thế nào để có thể đảm bảo được các bữa ăn cho trẻ tại trường?

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm đầu vào tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu tại các trường học còn chưa sâu sát quan tâm vấn đề này, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Khuyến cáo của chuyên gia y tế

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, các loại ngộ độc thường gặp là ngộ đôc thuốc và ngộ độc thực phẩm với một số biểu hiện như: Về tiêu hóa, trẻ sẽ đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy; về hô hấp - ho sặc, thở nhanh, tím môi, khó thở; về thần kinh - hôn mê hoặc co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ; nặng hơn có liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim; dấu hiệu tăng tiết - đàm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt. Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây độc.

Khi phát hiện trẻ bị ngộ độc, cha mẹ trẻ nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất. Khi gây nôn cho trẻ, cần kích thích cho trẻ càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, thuốc ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng pha 2 muỗng canh muối trong 1 ly. Tuy nhiên, không áp dụng phương pháp gây nôn này trong ngộ độc axit, kiềm, xăng dầu. Cần theo dõi tình trạng mất nước của trẻ do ói mửa, tiêu chảy nhằm đảm bảo bù nước cho đầy đủ, phải cho trẻ nằm nghỉ, uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Cần ngưng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất; tắm, gội bằng xà phòng, nước sạch nếu trẻ nhiễm độc qua da, niêm mạc.

TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo: Để phòng ngừa ngộ độc ở trẻ, đối với ngộ độc thuốc, cha mẹ không tự ý mua thuốc cho con uống; phải dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám; không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hoặc của người lớn cho trẻ. Thuốc nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Để thuốc ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để thuốc trong tủ có khóa an toàn. Đồng thời, định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, loại bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng; không nên uống thuốc trước mặt trẻ vì trẻ rất dễ bắt chước.

Để tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra với trẻ, cần để trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống; bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến; nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch. Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn; không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng và phải kiểm tra kỹ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi chế biến hoặc cho trẻ ăn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngộ độc ở trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO