Nguy cơ ngộ độc từ thức ăn lâu ngày

Xuân Thuỷ 13/02/2019 08:00

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa. Số các trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu.

Tích trữ thực phẩm chưa đúng cách

Trong số những ca khám nêu trên, có gần 900 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia. Có hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến (tăng 23%) so với năm trước. Đặc biệt, có 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). So với cùng kỳ của Tết Mậu Tuất, số ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn/rối loạn tiêu hóa giảm 14%, số ca ngộ độc rượu, bia giảm 19%, tuy nhiên số ca ngộ độc thức ăn tự chế biến tăng 19%.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, thông thường nhiều người thường có thói quen sử dụng thức ăn được tích trữ từ trước Tết; thức ăn để chung các loại sống -chín trong tủ lạnh… không đảm bảo vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.

Theo ông Lâm Quốc Hùng- Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do đặc thù thời tiết dịp Tết nắng nóng, độ ẩm cao khiến các loại hạt hướng dương, lạc, đậu hay bánh chưng rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều người hay có thói quen rửa nấm mốc, rồi lại sử dụng. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh chưng bị nấm mốc, rồi rán ăn bình thường. Nhìn bên ngoài tưởng ổn nhưng có thể độc tố đã ngấm sâu vào thực phẩm, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ khó lường.

BS Trần Quốc Khánh - BV Hữu nghị Việt Đức cho hay, thời điểm trong và sau Tết, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính thường là do các gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết. Phần lớn các thực phẩm tồn dư đều là những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như: Bánh chưng, bánh tét, giò chả... trong khi thời tiết có nhiều thay đổi, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Thậm chí, nhiều người khi thấy giò chả bị nhớt bên ngoài vẫn còn mùi thơm đặc trưng nên vẫn cố ăn dẫn đến ngộ độc. Trường hợp ngộ độc nhẹ thì đau bụng, nặng thì tiêu chảy.

Không nên ăn cố vì tiếc của

Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần…

Bà Hoàng Thị Minh Thu- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ lạnh sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Với thực phẩm tươi sống cần được làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội rồi đậy kín, cất vào tủ lạnh. Riêng đối với rau, sau khi bỏ lá sâu, lá nát, cắt bỏ phần rễ, thì rửa sạch cho vào túi, buộc kín, xếp vào ngăn tủ mát. Trái cây cũng nên rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi, buộc kín trước khi đưa vào tủ lạnh.

Với bánh chưng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không nên vì tiếc của mà cố ăn những chiếc bánh đã bị mốc, kể cả khi loại bỏ những phần mốc của bánh, nhưng phần còn lại của bánh chưng cũng không an toàn đối với người sử dụng.

Ngoài ra, khi bảo quản thực phẩm không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ ngộ độc từ thức ăn lâu ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO