Sớm khắc phục sai sót trên thẻ Bảo hiểm y tế

Phan Ngọc 17/01/2018 02:25

Cho tới thời điểm này, học sinh (HS) phổ thông tại Hà Nội đã nhận được thẻ BHYT năm 2018.

Tuy nhiên có nhiều phụ huynh băn khoăn về thời hạn ghi trên thẻ. Đơn cử, thay vì ghi thời hạn sử dụng trong vòng 1 năm như trước, nay thời hạn trên thẻ lại chỉ ghi từ 1/1/2018 mà không có thời hạn cuối. Đặc biệt hơn cả là mốc thời gian đóng BHYT liên tục đủ 5 năm liên tục của HS ghi trên thẻ lại ít hơn thời gian thực tế các em đã tham gia.


Đơn cử như trường hợp thẻ BHYT 2018 của một HS lớp 9 Trường THPT quốc tế Thăng Long - Hà Nội có ghi: Giá trị sử dụng thẻ bắt đầu từ ngày 1/1/2018, thời điểm bắt đầu tham gia đóng BHYT đủ 5 năm liên tục bắt đầu từ ngày 1/12/2019. Trong khi HS này đã tham gia BHYT đủ 9 năm liên tục từ lớp 1 tới lớp 9. Tương tự, không ít HS tại Hà Nội đã tham gia nhiều năm liên tục nhưng trong thẻ BHYT lại ghi là tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục từ năm 2023, có nghĩa là thời gian thực tế đóng BHYT của các em bị tính ít đi quá nhiều, làm giảm quyền lợi được hưởng khi HS đi khám chữa bệnh.

Liên quan đến việc sai sót thông tin tham gia BHYT 5 năm liên tục in trên thẻ BHYT của HS, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, toàn bộ HS lớp 1 trở lên được giải quyết quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục. Hiện các bộ phận liên quan đang tiến hành rà soát lại toàn bộ số thẻ BHYT HS trên địa bàn.

Trường hợp, phát hiện ra thẻ bị in sai, nhầm về năm tham gia BHYT và các thông tin liên quan ghi trên thẻ BHYT sẽ thực hiện in điều chỉnh và phát lại thẻ BHYT đến các HS, trong thời gian nhanh nhất. Trường hợp HS phải nhập viện đúng thời điểm rà soát lại thẻ BHYT, BHXH TP Hà Nội đã chỉ đạo các giám định viên tại các bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, phối hợp với người nhà HS để giải quyết đảm bảo đầy đủ quyền lợi của HS khi khám chữa bệnh.

Ông Hòa cho hay, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện việc cấp mã số BHYT mới - trùng với mã số thẻ BHXH sau này và không in thời hạn hết giá trị sử dụng trên thẻ BHYT, mà chỉ in thông tin có giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2018, nhằm hạn chế việc in thẻ giấy hằng năm. Đây cũng là một bước để tiến lên thẻ BHYT điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra sự cố là một số thẻ BHYT HS trên bị in sai, nhầm thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, một phần nguyên nhân của việc nhầm lẫn thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục là do HS khai chưa đúng ngày, tháng, năm sinh. Khi nhập vào máy mà không trùng khớp so với thẻ BHYT cũ thì máy sẽ tự động in là tham gia BHXH năm đầu tiên.

Cũng theo Giám đốc BHXH Hà Nội, vì không in thời gian hết hạn thẻ nên thẻ BHYT sẽ được dùng đến khi hỏng, mất... Do đó, năm sau sẽ không in lại thẻ BHYT và sẽ không còn xảy ra trường hợp in sai thông tin trên BHYT. Hiện trên thẻ BHYT không ghi giá trị hết hạn thẻ, nhưng trong dữ liệu điện tử của BHXH Việt Nam đã lưu giữ toàn bộ hồ sơ, thời gian đóng, mức hưởng... của người tham gia. Vì thế, dù không ghi thời hạn sử dụng thẻ nhưng nếu HS, SV không tham gia BHYT ở giai đoạn nào thì sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ở giai đoạn đó.

Cùng với đó, thời gian vừa qua tại Hà Nội, không ít bệnh nhân BHYT đang điều trị nội trú chuyển tiếp từ năm 2017 sang năm 2018, dù đã có giấy chuyển tuyến năm 2017, nhưng một số BV vẫn yêu cầu họ xin giấy chuyển tuyến tiếp năm 2018. Trong số này có không ít bệnh nhân là HS, SV. Điều này khiến người bệnh rất bức xúc đã phản ánh tới BHXH Hà Nội. Để giải quyết vướng mắc này, ngày 12/1, Giám đốc BHXH Hà Nội đã ký Công văn số 90/BHXH-GĐBHYT1 về việc đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT điều trị từ năm 2017 sang năm 2018 gửi các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thành phố.

Theo đó, BHXH Hà Nội đề nghị giám đốc các cơ sở KCB BHYT chỉ đạo dứt điểm không được yêu cầu bệnh nhân BHYT đang điều trị nội trú chuyển tiếp từ năm 2017 sang năm 2018 phải quay về nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu để xin giấy chuyển tuyến, mà cần phải tiếp tục cung cấp dịch vụ, giải quyết quyền lợi cho bệnh nhân đến hết đợt điều trị. Đặc biệt, đến hết ngày 31-12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến này vẫn có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm khắc phục sai sót trên thẻ Bảo hiểm y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO